PIDIC: Quỹ đất lớn nhưng khó khai thác

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 24/1/2022, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tiếp tục đấu giá hơn 280 nghìn cổ phần của Công ty CP Đầu tư Phát triển Hạ tầng Phú Quốc (PIDIC), tương ứng 13,31% vốn điều lệ với giá khởi điểm 14.400 đồng/CP. HUD đã thực hiện thoái vốn khỏi PIDIC nhiều năm qua nhưng chưa thể thành công. Tại lần đấu giá gần nhất, cuối năm 2020 đã có 3 nhà đầu tư đăng ký nhưng cuộc đấu giá sau đó đã bị hoãn lại để rà soát lại phương án chuyển nhượng vốn theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Theo bản công bố thông tin của PIDIC, tổng diện tích đất mua là 92.954,3 m2, trong đó có 36.242,4 m2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, cây công nghiệp. Ảnh minh họa: Tường Lâm
Theo bản công bố thông tin của PIDIC, tổng diện tích đất mua là 92.954,3 m2, trong đó có 36.242,4 m2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, cây công nghiệp. Ảnh minh họa: Tường Lâm

PIDIC là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại Phú Quốc nhưng nhiều năm qua chưa thể khai thác do có nhiều vướng mắc.

PIDIC được thành lập vào tháng 10/2008 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, nhằm nghiên cứu thực hiện Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng sinh thái tại Dương Đông, huyện Phú Quốc quy mô khoảng 37,6 ha. Để chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện Dự án, Công ty đã ủy quyền cho một số cá nhân mua lại các thửa đất tại Khu phố 5, thị trấn Dương Đông từ các hộ gia đình và cá nhân. Sau đó, Công ty sẽ thực hiện mua lại của các cá nhân được ủy quyền khi hoàn thành thủ tục về đất đai, thủ tục đầu tư. Chi phí mua đất và các chi phí liên quan theo ghi nhận trên báo cáo tài chính là hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang, do toàn bộ Dự án của Công ty nằm trong quy hoạch phân khu đô thị Dương Đông có chức năng là hồ nước nên chủ trương đầu tư Dự án đã bị hủy bỏ.

Bản công bố thông tin đấu giá cũng cho biết, đến nay PIDIC mới tiến hành kiểm tra quyết toán thuế hết năm 2015, do đó giai đoạn 2016 cho đến nay có thể phát sinh chênh lệch liên quan đến chi phí, thuế khi thực hiện quyết toán thuế.

Theo bản công bố thông tin, tổng diện tích đất mua theo hợp đồng chuyển nhượng là 92.954,3 m2, trong đó mới có 36.242,4 m2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích sử dụng là đất trồng cây lâu năm, cây công nghiệp. Phần còn lại 56.711,9 m2 chưa có giấy tờ xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, Công ty chưa hoàn thiện được hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất về Công ty, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên các cá nhân. Công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng và hợp đồng đặt cọc quyền sử dụng đất với các cá nhân. Tuy nhiên, do chủ trương đầu tư của Dự án đã bị hủy bỏ nên đến nay Công ty chưa chưa thể hoàn thiện được hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đứng tên các hộ gia đình, cá nhân. Do vậy, Công ty cũng gặp phải rủi ro không được hưởng đầy đủ chế độ bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với các thửa đất Công ty đã mua.

Ngoài rủi ro trên, bản công bố thông tin đấu giá cũng cho biết, đến nay PIDIC mới tiến hành kiểm tra quyết toán thuế hết năm 2015, do đó giai đoạn 2016 cho đến nay có thể phát sinh chênh lệch liên quan đến chi phí, thuế khi thực hiện quyết toán thuế.

Dù có vốn điều lệ 500 tỷ đồng nhưng vốn góp thực tế của PIDIC chỉ hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 56,08%, 2 cổ đông khác sở hữu 13,31% như HUD là Công ty TNHH Vietnam Quarius Technologies Institutes và Công ty CP Dịch vụ Du lịch Thương mại Đại Cát Hoàng Long, còn lại 3,99% do Công ty TNHH Kiến trúc A.T.A sở hữu.

Tính đến cuối quý II/2021, tổng tài sản của Công ty đạt 40,5 tỷ đồng. Do không thể thực hiện Dự án nên hoạt động kinh doanh của PIDIC nhiều năm qua phát sinh các khoản lỗ với số lỗ lũy kế là 8,2 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 13 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 27,5 tỷ đồng.

Chuyên đề