Phát triển logistics để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo danh sách 50 thị trường logistics mới nổi hấp dẫn nhất thế giới vừa được nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam đứng thứ 11. Việc thị trường dịch vụ này được nâng hạng, theo góc nhìn của nhiều doanh nghiệp, đây chính là cơ hội để hàng hóa Việt Nam nâng sức cạnh tranh, tiến xa và sâu hơn vào thị trường quốc tế.
Chi phí logistics nội địa cao làm tăng giá thành sản xuất và giá hàng hóa, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Ảnh: Nhã Chi
Chi phí logistics nội địa cao làm tăng giá thành sản xuất và giá hàng hóa, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Ảnh: Nhã Chi

Bảng xếp hạng của Agility vừa công bố cho thấy, Việt Nam lọt top 11 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và thứ 4 tại Đông Nam Á. Bảng xếp hạng các thị trường logistics mới nổi của Agility được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí: cơ hội logistics trong nước, cơ hội logistics quốc tế, chỉ số kỹ thuật số, nguyên tắc kinh doanh.

Theo ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam, trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng. Đặc biệt, 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. “Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra sôi động là cơ hội để ngành dịch vụ logistics phát triển”, ông Minh đánh giá.

Để nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới, thời gian qua, một số nhà đầu tư đã triển khai những dự án hạ tầng logistics lớn. Đơn cử như Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn YCH đã khởi công “siêu cảng” logistics 3.900 tỷ đồng ở Vĩnh Phúc; SEA Logistics Partners (SLP) - đơn vị phát triển, vận hành hạ tầng kho vận và hậu cần hiện đại tập trung tại khu vực Đông Nam Á đã khởi công Dự án SLP Park Xuyên Á (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)…

Ở một diễn biến khác, theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, tại Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải quốc tế (FIATA) 2022 đang diễn ra tại TP. Busan, Hàn Quốc, Hiệp hội DN Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã giành quyền đăng cai Đại hội dự kiến tổ chức vào năm 2025. Việc đăng cai Đại hội là cơ hội để doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác với hơn 1.000 doanh nghiệp logistics hàng đầu thế giới. Đồng thời, đây là cơ hội khẳng định vị trí của ngành logistics Việt Nam nói riêng và quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Gián tiếp mở ra cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt.

Cơ hội lớn mở ra, nhưng một số ý kiến bày tỏ lo ngại về những khó khăn, thách thức đối với ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ phần lớn thị phần của thị trường logistics. Không những thế, nhiều nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam còn mang theo một loạt doanh nghiệp hậu cần của họ. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp trong nước nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, theo PGS. TSKH. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, những hạn chế chủ yếu của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam là không đồng bộ, dẫn đến chi phí logistics nội địa quá cao, bằng 20% GDP, không đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nền kinh tế mở. “Đó là điều bất thường, làm tiêu hao nguồn lực quốc gia, đẩy giá thành sản xuất và giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế”, ông Khuê nói.

Bởi thế, các ý kiến cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay là làm thế nào để doanh nghiệp logistics Việt Nam gia tăng thị phần, nâng cao sức cạnh tranh nhằm mang lại lợi ích thực sự cho doanh nghiệp trong nước.

Ông Lê Minh cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics trong nước, cần bắt đầu từ khâu quy hoạch. Theo ông Minh, thời gian qua, Việt Nam đã có quy hoạch, kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, tuy nhiên quá trình thực hiện chưa thực sự hiệu quả. “Trong tổng thể quy hoạch quốc gia đang hoàn thiện cần có tầm nhìn chiến lược đối với quy hoạch về phát triển ngành dịch vụ logistics theo hướng khả thi”, ông Minh đề xuất. Cũng theo ông Minh, cần phát triển mạnh đội tàu quốc tế của Việt Nam, từ đó hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.

Ông Lã Ngọc Khuê cho rằng, để giảm chi phí logistics hỗ trợ DN tăng sức cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, liên kết, trong đó phát huy được vai trò chủ đạo của đường sắt - phương tiện vận tải có năng lực vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh, chi phí thấp…

Chuyên đề