Phát triển điện khí LNG (Liquefied Natural Gas) ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam. Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường.

Tình hình thị trường năng lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) thế giới

Kể từ giữa những năm 1990 trở lại đây, khi mà những biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ nét tới môi trường sống trên trái đất thì nguồn phát thải ô nhiễm đã được chú ý giảm thiểu, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống (than đá, dầu thô) ngày một hạn chế. Con người đang hướng tới sử dụng những dạng nhiên liệu bền hơn, sạch hơn, ít gây ô nhiễm môi trường sống hơn.

Trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu (COP 21) nhu cầu khí hóa lỏng (LNG) trên thế giới tăng đáng kể, theo thống kê, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với nhịp độ bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới sẽ tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022. Qatar, Autralia, Mỹ, Malaysia, Nga là những nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới; Phần lớn sản lượng xuất khẩu tăng thêm của LNG trong năm 2019 là từ các thị trường sẵn có: Mỹ (+13,1 triệu tấn), Nga (+11 triệu tấn) và Australia (+8,7 triệu tấn). Qatar tiếp tục là quốc gia xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, dẫn đầu thị trường với sản lượng 77,8 triệu tấn (chiếm thị phần 22%). Các nước nhập khẩu LNG chính bao gồm Nhật (32,3% thị phần nhập khẩu toàn thế giới ), Hàn Quốc (13,1%), Trung Quốc (10,4%). Họ sử dụng LNG chủ yếu cho nhu cầu trong nước (sản xuất điện là chính) và thương mại.

Chính phủ Việt Nam cũng đã định hướng sử dụng nguồn nhiên liệu này trước mắt cho sản xuất điện từ những năm đầu của thế kỷ 21. Cụ thể đã được quy hoạch các dự án phát triển hạ tầng nhập khẩu LNG trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Khí Việt Nam giai đoạn dến năm 2025 tầm nhìn 2035 (Quy hoạch Khí) và Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 tầm nhìn 2030 điều chính (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đang gấp rút hoàn thành Quy hoạch năng lượng Quốc gia và Quy hoạch điện VIII, trong đó có đặt ra nội dung rất cụ thể, rõ nét về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước.

Cơ hội cho việc sử dụng LNG cho Việt Nam

Cơ hội đầu tiên cho nước ta đây là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi ta đã tham gia vào Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21, sự kiện này được nhiều tổ chức quốc tế về môi trường và tài chính hoan nghênh, ủng hộ.

Cơ hội tiếp theo như đã nêu trên, nhu cầu và khả năng thương mại hóa mặt hàng LNG trên thế giới ngày một tăng và phổ biến hơn, tốc độ tăng bình quân năm khoảng 6%/năm; từ đó cho thấy nguồn cung sẽ dễ dàng tiếp cận và thực thi hơn so với giai đoạn trước.

Một cơ hội để ngành công nghiệp Việt Nam trong đó có ngành sản xuất điện được dễ dàng thuận tiện hơn. Nhu cầu sử dụng LNG là phương tiện vận chuyển và lưu trữ, tái hóa khí dạng nhiên liệu hóa lỏng này ngày càng được cải thiện và phát triển. Các cơ sở hạ tầng LNG trên thế giới, từ nhà máy hóa lỏng khí thiên nhiên, cảng xuất khẩu LNG, tàu vận chuyển trên biển, cho đến cảng nhập khẩu LNG, các bồn chứa, hệ thống tái hóa khí LNG và đường ống dẫn khí đến nơi tiêu thụ cuối cùng ngày một phát triển, hiện đại. Số lượng tàu chuyên chở LNG tăng liên tục theo từng năm. Tính đến năm 2019, trên thế giới có tổng cộng 541 tàu chuyên chở LNG (tăng 11% so với năm 2018) với tải trọng trung bình khoảng 170.000m3, thực hiện 5701 lượt vận chuyển đến các cảng nhập khẩu LNG ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, cũng như dự báo trước được sự thiếu hụt nguồn khí tại Nam Bộ trong tương lai, nên đã đang gấp rút thực hiện hàng loạt chỉ đạo và các hoạt động cho các dự án khí-điện LNG lớn.

Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2025-2030 cần xây mới các nhà máy điện chạy khí LNG với tổng công suất 15.000-19.000 MW. Đồng thời, trong Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp khí ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã xác định rõ sự cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận LNG nhập khẩu với khối lượng 1 đến 4 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2021-2025, tăng lên 6 đến 10 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2026-2035. Trong số đó, phần lớn lượng LNG nhập khẩu sẽ sử dụng để sản xuất điện, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là một cơ hội lớn cho việc sử dụng LNG tại Việt Nam. Hiện nay, các dự án điện khí LNG trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (bao gồm cả các dự án mới được bổ sung quy hoạch) ở nước ta gồm có:

Chuỗi dự án khí điện LNG Thị Vải – Nhơn Trạch bao gồm Dự án kho cảng nhập khẩu LNG Thị Vải (công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành năm 2022; giai đoạn 2 với công suất 3 triệu tấn LNG/năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2023) và Dự án nhà máy điện khí LNG Nhơn Trạch 3&4 (tổng công suất khoảng 1500MW, dự kiến hoàn thành vào năm 2022-2023).

Tổ hợp chuỗi dự án Nhiệt điện Sơn Mỹ bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện Sơn Mỹ 1, 2 (Bình Thuận) có tổng công suất khoảng 4000MW. Dự kiến các nhà máy điện này sẽ đi vào vận hành vào các năm 2024-2027.

Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (Ninh Thuận) giai đoạn 1 công suất khoảng 1500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.

Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn giai đoạn 1 công suất khoảng 1200-1500MW, tiến độ vận hành năm 2025-2026.

Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với tổng công suất 3200MW, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2024-2027, trong đó, dự án giai đoạn 1 quy mô công suất 800MW đưa vào vận hành năm 2024-2025.

Ngoài ra còn hàng loạt các dự án khác đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất nghiên cứu và phát triển tại các địa phương trong cả nước như: Dự án Tổ hợp điện khí LNG Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) có công suất 1600MW cho giai đoạn 1, Dự án Khí điện LNG Cái Mép Hạ (Bà Rịa – Vũng Tàu, Dự án kho cảng LNG Vân Phong (Khánh Hòa) công suất 10 triệu tấn LNG/năm, cung cấp LNG cho Trung tâm điện lực Mỹ Giang công suất 6.000 MW, Dự án điện khí LNG Vân Phong 2 (Khánh Hòa) công suất 3 triệu tấn LNG/năm, công suất nhà máy điện 3.000 MW; Dự án kho LNG Hà Tĩnh công suất 3,5 triệu tấn/năm cấp cho các nhà máy điện công suất 3.600 MW; Dự án Trung tâm điện khí LNG Long An (thay thế các Nhà máy điện than, tổng công suất 2.800 MW); Dự án LNG Xẻo Rô (Kiên Giang); Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Nam (Quảng Nam), công suất 4.000MW; Dự án NMNĐ LNG Quảng Trị 1, 2: quy mô công suất 3.000 MW; và các dự án khác tại Cà Mau, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang, Bình Thuận, Thái Bình, Hải Phòng,...

Thách thức

Khí tự nhiên (Natural Gas) được coi là nhiên liệu hóa thạch thân thiện nhất với môi trường, đốt khí tự nhiên sẽ sinh ra một lượng CO2 ít hơn khoảng 30% so với đốt dầu và 45% so với đốt than, còn với NOx thì có thể giảm tới 90% và không thải bụi. Khi sử dụng LNG cho sản xuất điện lại đòi hỏi việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ cao, với nguồn vốn đầu tư rất lớn. Đây thực sự là một nhiệm vụ nặng nề đối với ngành năng lượng Việt Nam nói chung và các nhà đầu tư có ý định đầu tư phát triển nguồn điện sử dụng LNG tại Việt Nam.

Việc đưa vào sử dụng và phát triển LNG tại Việt Nam đã và đang còn nhiều cơ hội cho ngành năng lượng Việt Nam; Song thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại để đưa vấn đề này trở thành hiện thực. Thời gian qua cho thấy, mặc dù Thủ tướng chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành quản lý đã có nhiều quyết định, chỉ đạo, tuy nhiên nhiều dự án, chuỗi dự án khí - điện LNG đã được quy hoạch, thậm chí đã được cho phép chủ trương đầu tư vẫn chưa được triển khai hoặc bị kéo dài tiến độ chuẩn bị đầu tư. Điển hình là còn lúng túng chỉ đạo và thực hiện triển khai Chuỗi Khí - điện Sơn Mỹ. Qua đó cho thấy việc phát triển sử dụng LNG còn nhiều khó khăn, bất cập. Trước mặt ta có thể thấy những thách thức trong việc:

Hoạch định Quy hoạch, kế hoạch: Có thể nói các Quy hoạch điện VII, Điện VII mở rộng, Quy hoạch khí được phê duyệt cho tới thời điểm này chưa đảm bảo được mục tiêu đề ra. Tình trạng đăng ký đầu tư theo phong trào dẫn đến phải bổ sung, chắp vá quy hoạch dẫn đến tình trạng xin cho và nảy sinh tiêu cực (tình trạng vừa qua đối với làn sóng đầu tư năng lượng tái tạo) và có thể sắp tới đối với các nhà máy điện sử dụng LNG (thống kê sơ bộ hiện đã có khoảng hơn 25 dự án đã và đang được xem xét bổ sung quy hoạch, công suất lến tới 50GW); đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu, quản lý năng lượng phải tập trung kỹ lưỡng và đầy đủ nội dung cho dự thảo về Quy hoạch điện VIII và Năng lượng quốc gia đang được Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo. Chúng ta hy vọng các khuyết điểm trước đây sẽ được khắc phục trong bản Quy hoạch tới này.

Về giá, cơ chế giá và hình thức đầu tư: Giá nhiên liệu LNG nhập khẩu là yếu tố bất cập, nhiều biến động trong thời gian 10 năm trở lại đây. Về giá cả, trong những năm qua, giá LNG đã có sự dao động khá lớn. Từ cuối 2011 đến đầu 2014, LNG có giá bán tương đối cao, đã có thời điểm giá bán LNG trung bình thế giới lên tới 17,24$/triệu Btu. Vào những tháng đầu năm 2016, do tình trạng cung vượt cầu mà giá LNG giao ngay tại châu Á đã giảm chỉ còn 4,05 US$/ triệu Btu, nhưng đến cuối 2016 và đầu năm 2017 do thời tiết quá lạnh (đặc biệt tại châu Âu và bắc Mỹ) giá LNG giao ngay đã lên tới 9,95 U$/ triệu Btu. Giá LNG giao ngay trung bình năm 2016 được xác lập tại Đông Bắc Á là 5,52 US$/ triệu BTU. Giá khí LNG sẽ quyết định giá thành bán điện của các dự án nguồn điện. Sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường sản xuất khí đốt trong năm 2019 lại khiến nguồn cung bị dư thừa trong khi nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Điều này khiến giá bán LNG thế giới hiện nay rơi xuống mức thấp kỷ lục dưới 2$/triệu Btu. Theo World Bank dự báo, giá LNG sẽ thay đổi trong vài năm tới. Cụ thể, giá LNG nhập khẩu ở Nhật Bản sẽ tăng từ 8,7$/triệu Btu (2020) lên 8,8$/triệu Btu (2023) và giảm về mức 8,5$/triệu Btu (2030). Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện, do đó có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện. Vậy cần nghiên cứu thành lập một hay một vài Trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện; đầu mối này phải được quản lý và giám sát của nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước. Tuy nhiên, việc này cũng có những khó khăn nhất định trong việc triển khai thực tế, đòi hỏi sự điều phối và hợp tác chặt chẽ giữa các nhà đầu tư, địa phương và các Bộ ngành liên quan. Cũng do yếu tố giá này đã dẫn tới cần xác định hình thức đầu tư (đầu tư theo hình thức PPP/BOT hay IPP) vì mỗi hình thức đầu tư có khung pháp lý, cơ chế quản lý và vận hành khác nhau.

Khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành cả chuỗi Khí - điện: Có thể nói hiện ta chưa hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) nên khó thu xếp tài chính cho dự án quy mô hàng tỷ USD. Các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư còn vênh nhau ở cấp Luật định ( Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, ... và gần đây là Luật Quy hoạch). Cơ chế vận hành chuỗi khí điện đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm, song chưa được thực hiện như đối với Chuỗi khí -điện Sơn Mỹ, tỉnh Bình Thuận; ví dụ này cũng cần nghiên cứu rút kinh nghiệm

Thẩm quyền, quy trình đánh giá lựa chọn chủ đầu tư cho dự án/chuỗi dự án…: Chuỗi khí –điện LNG là chuỗi các dự án liên kết chặt chẽ đồng bộ với nhau, từ các khâu: Nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí, xây dựng các cơ sở hạ tầng chính gồm có cảng tiếp nhận LNG, bồn chứa LNG, cơ sở tái hóa khí LNG và các đường ống dẫn khí đến nhà máy điện để tiêu thụ... Chuỗi có quy mô lớn về nhiều khía cạnh do đó cần thận trọng và cân nhắc ở khâu lựa chọn chủ đầu tư cho Dự án. Sử dụng LNG đòi hỏi công nghệ cao xử lý khí có nhiệt độ thấp (khoảng - 162℃) và khí bay hơi, cho nên yêu cầu lựa chọn Nhà đầu tư phải có nhiều nghiệm (nhà đầu tư nước ngoài mới có kinh nghiệm này) cùng với đó là công nghệ tiên tiến. Để tránh nhiều dự án bị chậm nhiều năm hoặc khó khăn không thể thực hiện được do năng lực chủ đầu tư, cần có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm; vấn đề này đã có quy định trong pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế đầu thầu chung để chọn Chủ đầu tư. Thẩm quyền lựa chọn không thống nhất, khi thì là Chính phủ, hay giao cho Bộ, khi thì giao cho Tỉnh gây lúng túng cho các bên liên quan. Việc chọn được chủ đầu tư chính xác sẽ đem lại thành công cho dự án và lợi ích của các bên tham gia, điển hình là các dự án nhiệt điện Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2 và một số dự án nhiệt điện sau này như Nhiệt điện Nghi Sơn 2... Gần đây, tại văn bản số 479/TTg-CN ngày 23/4/2020 Thủ tướng đã cho bổ sung quy hoạch các dự án giai đoạn 1 của Trung tâm điện lực LNG tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, tại văn bản này Thủ tướng có chỉ đạo giao UBND các tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án trên đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả tốt nhất cho đất nước. Đánh giá chung, đây là chỉ đạo rõ, đúng đắn của lãnh đạo Chính phủ. Về phía các địa phương đã có những bước triển khai bước đầu thực hiện chỉ đạo này, tuy có những lúng túng nhất định ban đầu, song đã có sự phối hợp từ các Bộ như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương; thể hiện sự nhất quán, quyết tâm thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng trong lĩnh vực phát triển sử dụng LNG cho sản xuẩt điện.

Tóm lại, nguồn cung LNG thế giới trước năm 2025 được đánh giá dồi dào có thể đáp ứng được khối lượng LNG cần cho thị trường Việt Nam cùng với các điều kiện thuận lợi do thị trường đang được xét dưới góc độ thị trường của người mua. Với khuôn khổ của bài viết này chúng tôi có một số ý kiến về bức tranh tổng thể cho sự phát triển thị trường LNG tại Việt Nam đặc biệt về những cơ hội và thách thức cho thị trường này. Chúng tôi hy vọng có cơ hội để trao đổi với độc giả về những giải pháp để đảm bảo tính thực thi, chất lượng và hiệu quả cho việc phát triển thị trường điện sử dụng LNG tại Việt Nam. Người dùng điện cần thông thái và theo dõi sát sao quá trình phát triển cũng như thực hiện xây dựng chuỗi dự án khí điện LNG

Chuyên đề