Petrolimex công bố lợi nhuận vượt 37 lần, nhà nước phải kiểm soát độc quyền?

Tập đoàn Xăng dầu Việt  Nam (Petolimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2015. Theo đó, năm 2015, Petrolimex đạt lợi nhuận sau thuế 3.138,5 tỉ đồng. Trong đó, riêng công ty mẹ đạt 2.142 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao hơn tới 37 lần nếu so với mức lợi nhuận 58,5 tỉ đồng của năm 2014.
Lãi khủng của Petrolimex là nhờ được hưởng lợi nhuận định mức 300đ/lít xăng dầu.
Lãi khủng của Petrolimex là nhờ được hưởng lợi nhuận định mức 300đ/lít xăng dầu.

Theo báo cáo, chỉ tính riêng trong quý IV/2015, Petrolimex đạt lợi nhuận hợp nhất 1.003 tỉ đồng, trong khi các số liệu cho thấy cùng kỳ năm trước đó, tập đoàn này đã bị lỗ tới 1.159 tỉ đồng do ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh của công ty con là Petrolimex Singapore. Các số liệu cũng cho thấy, lợi nhuận của Petrolimex tăng mạnh do cả năm 2015, dù giá xăng đã trải qua 12 lần giảm giá trong năm. 

Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm 2015, giá xăng dầu, đặc biệt là xăng giảm ít hơn giá thế giới. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long tính toán, với mức giảm gần 40% của giá dầu thô thế giới năm vừa qua đã kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm mạnh, tuy nhiên, giá xăng trong nước hiện chỉ thấp hơn đầu năm gần 1.200 đồng/lít, tức chỉ giảm khoảng 6-7%; giá dầu diesel thấp hơn khoảng gần 5.000 đồng/lít

Giải trình lên Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, chênh lệch lớn giữa lợi nhuận sau thuế của Petrolimex năm 2015 so với năm 2014 đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, năm vừa qua, sản lượng xuất bán xăng dầu tại thị trường trong nước của tập đoàn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh của một số công ty con, công ty liên kết của Tập đoàn kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực như hóa dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, vận tải, dịch vụ... cũng đạt lợi nhuận khá so với năm 2014. Ngoài ra, các khoản trích lập dự phòng do tác động của biến động xăng dầu giảm cũng góp phần làm lợi nhuận của đơn vị gia tăng. Theo ông Năm, hiện tập đoàn có 27 công ty con do Petrolimex nắm quyền chi phối, trong đó có 1 công ty liên doanh với đối tác nước ngoài, 1 công ty TNHH 100% vốn tại Singapore và một tại Lào và đang hoạt động rất hiệu quả.

Về kinh doanh xăng dầu mặc dù giá giảm sâu, nhưng theo người đại diện Petolimex, giá xăng dầu thế giới quý IV/2015 tuy vẫn cùng xu hướng giảm như quý IV/2014 nhưng mức giảm giữa các tháng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên yêu cầu phải đảm bảo dự trữ tồn kho theo quy định của kinh doanh xăng dầu không tác động trầm trọng như quý IV/2014.

Trả lời một tờ báo, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, trong phần lợi nhuận khủng của Petrolimex, cần xem lại phần lợi nhuận thu được từ chênh lệch giá xăng dầu trong nước cũng như hàng tạm nhập tái xuất của đơn vị này đang chiếm tỷ lệ bao nhiêu. Các khoản thu được từ hoạt động liên doanh liên kết cũng cần được bóc tách chi tiết để người dân cùng được biết. “Cũng cần xem lại doanh nghiệp trong năm qua có các biện pháp nâng cao năng suất hay thay đổi chiến lược kinh doanh giúp đạt được lợi nhuận cao hay không. Nếu không có biện pháp nâng cao năng suất  lao động mà chỉ kiếm lợi nhuận từ việc giá xăng dầu thế giới giảm thì cần xem xét lại hoạt động của đơn vị này để đảm bảo công bằng”, ông Doanh đề xuất.

Không ít đầu mối kinh doanh xăng dầu lo ngại, với thị phần áp đảo của mình (Petrolimex hiện đang chiếm gần 50% thị phần trong nước và có hệ thống bán lẻ trải dài khắp nước), các đơn vị nhập khẩu khác đều  nhìn ông lớn này để tăng chi các khoản hoa hồng đại lý nếu muốn bán được hàng (trung bình khoảng 1.000 đ/lít xăng). Trong cơ cấu giá bán xăng dầu, quy định hưởng thêm lợi nhuận định mức cố định 300 đồng/lít thì với mức bán ra thị trường hàng triệu lít xăng, dầu/ngày, Petrolimex đạt lợi nhuận lớn là điều dễ hiểu.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Petrolimex lãi lớn do đơn vị này được hưởng độc quyền thị trường nên dù thị trường diễn biến thế nào vẫn có lợi hơn các doanh nghiệp khác. Cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát lợi nhuận của doanh nghiệp độc quyền. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư