Nuôi “sếu đầu đàn” cho ngành công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang đứng trước những cơ hội bứt phá khi không gian thị trường liên tục được mở rộng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)… Vì thế, tại thời điểm này, các doanh nghiệp (DN) càng phải nỗ lực hơn nữa, nhất là cần có “sếu đầu đàn” để dẫn dắt, thúc đẩy CNHT phát triển.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho những tập đoàn lớn như: Samsung, Toyota, Honda… và xuất khẩu đem lại doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho những tập đoàn lớn như: Samsung, Toyota, Honda… và xuất khẩu đem lại doanh thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội rộng mở

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng quan hệ thương mại với 230 thị trường. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đây là cơ hội để cho các DN CNHT của Việt Nam mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và DN thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã - hội quốc gia cho rằng: “Hầu hết các FTA đang mở ra cơ hội, đồng thời tạo cầu buộc các DN trong nước phải thay đổi sản xuất nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để khai thác cơ hội ở thị trường nội khối”.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam đánh giá: “Đang có nhiều cơ hội cho DN CNHT vươn ra thị trường thế giới khi Việt Nam tham gia và ký kết nhiều FTA. DN nào giỏi, tối ưu được sản xuất để tạo ta sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ sẽ có rất nhiều cơ hội”.

Bên cạnh cơ hội từ FTA, các chuyên gia cũng cho rằng, trong quá trình dòng vốn FDI dịch chuyển mạnh mẽ nhằm cơ cấu lại sản xuất thì Việt Nam đang là “cứ điểm” hấp dẫn của các nhà đầu tư. Theo đó, ông Thắng cho rằng: “Dòng FDI liên quan thúc đẩy CNHT có khả năng đổ vào Việt Nam nhiều hơn, qua đó cải thiện khả năng cung cấp sản phẩm CNHT từ trong nước”.

Thông tin từ Hiệp hội CNHT Việt Nam cho thấy, đến nay, nhiều DN CNHT Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng cho những tập đoàn đa quốc gia lớn như: Samsung, Toyota, Honda… Các DN đã xuất khẩu sản phẩm trực tiếp cho nhiều đối tác trên thế giới, đem lại doanh thu rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp “đứng yên là chết”

Rõ ràng cơ hội là rất lớn, nhưng các chuyên gia cho rằng, thách thức với DN CNHT là không nhỏ. Bởi sau nhiều năm, đến nay, ngành CNHT Việt Nam vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Theo bà Bình, số lượng DN CNHT tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu dù vẫn tăng lên hàng năm, nhưng mức tăng thấp (vài trăm DN). Hơn nữa, CNHT không phải là ngành hấp dẫn đầu tư như những ngành kinh tế khác bởi không mang lại lợi nhuận tức thì…

Cho rằng song hành cùng cơ hội, các FTA cũng tạo ra không ít thách thức với DN CNHT, theo bà Bình, hội nhập sâu rộng thì quá trình thanh lọc DN cũng diễn ra mạnh mẽ, DN “đứng yên là chết”.

Nêu giải pháp để giúp DN CNHT Việt Nam khai thác tốt các cơ hội, ông Thắng cho rằng: “Điểm mấu chốt để phát triển DN CNHT Việt Nam là cần có đầu tư lớn của Nhà nước với những chính sách rõ ràng để Việt Nam có được các “sếu đầu đàn” dẫn dắt, thúc đẩy ngành CNHT phát triển”.

Tán thành đề xuất này, đại diện Hiệp hội CNHT Việt Nam bày tỏ: “Chúng ta cần có “sếu đầu đàn” dẫn dắt DN CNHT phát triển nhằm tạo tiền đề vững chắc để đưa ngành công nghiệp này phát triển vững mạnh”. Tuy vậy, chuyên gia này cũng cho rằng, nếu chưa có được “sếu đầu đàn”, các DN cần không ngừng đầu tư nâng cao năng lực, cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. “Tại thời điểm này, DN CNHT càng phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể khai thác được cơ hội, bởi nếu không thì vàng mãi chỉ ở trong mỏ, không khai thác được”, đại diện Hiệp hội CNHT Việt Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, cần tiếp tục tập trung cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để các DN CNHT có điều kiện phát triển. Đội ngũ công chức nhà nước cũng phải thay đổi thái độ với DN, coi DN là khách hàng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí không chính thức…

Mới đây, nhiều DN CNHT kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội ban hành Luật CNHT nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý thúc đẩy ngành CNHT Việt Nam phát triển.

Chuyên đề