Sau 3 năm thực hiện, Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi. Ảnh: Hoài Tâm |
Nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết
Là người đầu tiên cho ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP (NĐ86) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vận tải bằng ô tô, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Dự thảo Nghị định đã thể hiện được sự đổi mới về tư duy và cải thiện cách thức quản lý nhà nước về kinh doanh và ĐKKD vận tải bằng xe ô tô. Song, trong Dự thảo Nghị định còn không ít những quy định vô lý vẫn được duy trì bên cạnh những quy định mới được bổ sung. Thế nhưng, ngay tại các quy định mới hoặc sửa đổi cũng xuất hiện những bất cập theo cách cấm đoán, hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình DN. Đó là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử, các hộ kinh doanh vận tải thì bị hạn chế trong khi quy định lại bảo hộ cho một số loại hình khác.
Bà Lan nhận xét, Điều 12 Dự thảo Nghị định có đưa ra quy định rất đáng xem xét là “phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ lại không hề đặt ra điều kiện về sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải đối với phương tiện. “Tại sao Dự thảo Nghị định lại đặt quy định này?”, chuyên gia Phạm Chi Lan đặt câu hỏi và cho biết thêm, một số quy định tại Dự thảo Nghị định thể hiện sự tiếc nuối, duy trì cách thức và công cụ quản lý nhà nước cũ kỹ theo hướng siết chặt kinh doanh vận tải hơn là cải cách hành chính.
Bổ sung ý kiến này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, Dự thảo Nghị định thay thế NĐ86 mới chỉ là sửa về mặt kỹ thuật, nên sẽ không giải quyết được những tồn tại, vướng mắc của DN kinh doanh vận tải bằng ô tô hiện nay. Nguyên nhân là Dự thảo Nghị định chưa tìm được cách tiếp cận vấn đề một cách hệ thống và đổi mới nên đã thiên về hướng siết chặt quản lý hơn là tạo thuận lợi thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao hiệu quả.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cũng bày tỏ lo ngại khi nhận thấy còn không ít nội dung tại Dự thảo Nghị định thay thế cần được xem xét cho phù hợp.
Tại Hội thảo, đại diện của nhiều DN kinh doanh vận tải ô tô đến từ Hiệp hội DN logistics Việt Nam, Hiệp hội Taxi TP.HCM, Hiệp hội Taxi Hà Nội… cũng đồng loạt lên tiếng về những bất cập chưa được giải quyết tại Dự thảo Nghị định thay thế.
Cần cách tư duy, tiếp cận mới
Chia sẻ kinh nghiệm của thế giới về vấn đề này, ông Hiếu cho biết, trong giai đoạn năm 2013 - 2015, nhiều nước như Anh, Singapore, Hoa Kỳ, Canada… thực hiện đánh giá lại hệ thống pháp luật về giao thông. Qua đánh giá, họ đều chỉ ra những điểm rất đáng học hỏi.
Thứ nhất là các chính sách về giao thông của họ đều thể hiện tầm nhìn dài hạn. Đơn cử như năm 2016, Canada ban hành Luật Giao thông đường bộ là để áp dụng cho 20 - 30 năm tới. Thứ hai là, mục tiêu an toàn trong kinh doanh vận tải ô tô chuyển sang mục tiêu quan trọng hơn, đó là mục tiêu thương mại và kinh tế. Coi lĩnh vực vận tải trở thành lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế và sự thịnh vượng. Thứ ba là, không đặt mục tiêu xử lý DN kinh doanh cung cấp dịch vụ vận tải, mà chuyển hướng sang đặt lợi ích của người tiêu dùng làm nền tảng thiết kế ra quy định.
Từ bài học đó, ông Hiếu nêu quan điểm, khi sửa NĐ86 phải có một phương pháp tiếp cận hoàn toàn mới. Nếu chỉ sửa kỹ thuật như hiện nay sẽ không giải quyết cơ bản được những vướng mắc DN gặp phải trong một bối cảnh rất mới với sự thay đổi nhanh về công nghệ. Trên cơ sở đó, ông Hiếu gợi ý một số điểm cần sửa NĐ86 theo hướng: Tách bạch mục tiêu an toàn trật tự giao thông với hoạt động kinh doanh vận tải; xóa bỏ tư duy áp đặt, các phương thức kinh doanh được thay đổi linh hoạt và cạnh tranh sòng phẳng; lấy sáng tạo kinh doanh hiệu quả làm cơ sở để bãi bỏ cách làm cũ trói buộc, hạn chế sự phát triển của DN…