Nợ xấu “thử lửa” ngành ngân hàng năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chất lượng tín dụng đi xuống ở nhiều nhà băng khiến rủi ro nợ xấu tăng cao là yếu tố cản trở lớn nhất đối với triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng năm nay. Tuy nhiên, vẫn có một số tín hiệu lạc quan, trong đó đáng chú ý là bộ đệm dự phòng được gia cố khá tốt trong thời gian qua và sự cải thiện về khả năng quản trị rủi ro, kỳ vọng giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) vượt qua khó khăn hiện hữu.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được dự báo sẽ tăng lên đáng kể và ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được dự báo sẽ tăng lên đáng kể và ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Nhận định về triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2023, bà Trần Kiều Oanh, Trưởng phòng Khối Phân tích định chế tài chính thuộc FiinGroup cho rằng, chất lượng tín dụng đang đi xuống ở nhiều ngành, nợ xấu dần lộ diện kể từ khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực từ tháng 6/2022. Cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 1,92%, tỷ lệ nợ xấu gộp khoảng 4,5%.

Về nợ xấu, rủi ro đặc biệt hiện hữu và tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản (BĐS), lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tín dụng. Nợ xấu liên quan đến BĐS chiếm xấp xỉ 20% tổng quy mô nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của các TCTD, nên sự suy yếu của thị trường BĐS sẽ gây áp lực lên chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.

Ở khía cạnh khác, theo bà Oanh, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được dự báo sẽ tăng lên đáng kể và ảnh hưởng trực tiếp đến triển vọng lợi nhuận ngân hàng trong năm nay do nhiều khoản cho vay BĐS có thể trở thành nợ xấu nếu dòng vốn vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt.

Tuy nhiên, rủi ro tín dụng sẽ có sự phân hóa giữa các TCTD, trong đó các ngân hàng có dư nợ tín dụng BĐS cao sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập dự phòng lớn hơn so với các ngân hàng thuần bán lẻ.

Cụ thể, nhiều ngân hàng đã chủ động tăng cường trích lập dự phòng sớm như Vietcombank, BIDV, VietinBank, MBBank với bộ đệm dự phòng cao, gấp đôi thậm chí gấp ba quy mô nợ xấu nội bảng, cho phép các ngân hàng này có nguồn lực vững chắc để chống chọi với rủi ro tín dụng. Những ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng sẽ đối diện áp lực trích tăng lập dự phòng và làm hao mòn lợi nhuận trong năm 2023 và có thể tạo áp lực lên thanh khoản.

Nhận định về triển vọng ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, thị trường BĐS và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tiếp tục khó khăn sẽ tác động xấu lên chất lượng tài sản cũng như tình hình thanh khoản của các TCTD trong năm 2023.

Nhiều khoản cho vay bất động sản có thể trở thành nợ xấu nếu dòng vốn vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Nhiều khoản cho vay bất động sản có thể trở thành nợ xấu nếu dòng vốn vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Bên cạnh vấn đề “căng thẳng thanh khoản” trong hệ thống ngân hàng, còn một vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến việc các DN Việt Nam đang gặp khó khăn về thanh khoản, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. DN Việt Nam phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, ảnh hưởng lên khả năng trả nợ của các DN. Mặt khác, việc tiếp cận vốn của DN đang gặp nhiều khó khăn khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn bị hạn chế. Tăng trưởng tín dụng hệ thống sẽ chậm lại và dự báo chỉ đạt khoảng 12% trong 2023, trong khi thị trường TPDN gần như đóng băng. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của DN và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023.

“Nhìn chung, áp lực tăng trích lập dự phòng sẽ quay trở lại và dẫn tới việc chi phí dự phòng có thể tăng trong 2023 - 2024. Những ngân hàng với chất lượng tài sản ổn định sẽ ở một vị thế tốt để đương đầu với rủi ro nợ xấu tăng”, báo cáo của VNDirect nhấn mạnh.

Kết quả điều tra xu hướng tín dụng ngành ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước thực hiện nêu rõ, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong năm 2023, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại so với các năm trước. Trong đó, 47,2% TCTD dự báo MBRR “ổn định”, 17,6% dự báo “giảm” và 34,3% TCTD dự báo mức độ rủi ro chung của các nhóm khách hàng “tăng” trong năm 2023 so với năm 2022.

Đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng năm 2023, PGS. TS. Phạm Thế Anh, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, thách thức lớn nhất trong năm nay chính là vấn đề nợ xấu, trong đó, điểm đáng quan ngại là mức độ và quy mô nợ xấu có thể chưa được phản ánh và nhận diện đầy đủ bởi chính sách tái cơ cấu nợ được thực hiện trong thời gian qua.

Dù vậy, theo ông Phạm Thế Anh, vẫn có một số yếu tố có thể lạc quan về triển vọng ngành ngân hàng trong năm nay. Cụ thể, khi các kênh vốn khác, đặc biệt là TPDN gặp khó khăn thì nhu cầu vốn tín dụng sẽ tiếp tục tăng cao. Mặt khác, có một số dấu hiệu cho thấy lãi suất có thể đã đạt đỉnh trong năm nay và sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ trong thời gian tới theo đà ổn định lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Mặt bằng lãi suất ổn định dù ở mức chưa thấp hẳn, sẽ giúp ngân hàng cân đối nguồn vốn tốt hơn…

“Nhìn chung, bức tranh ngân hàng năm nay sẽ có sự phân hóa theo khả năng ứng phó với thách thức về nợ xấu và tận dụng cơ hội từ xu hướng lãi suất ổn định. Các ngân hàng quản trị tốt sẽ hưởng lợi từ xu hướng lãi suất ổn định hoặc giảm nhẹ trong thời gian tới và ngược lại”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Chuyên đề