Cần củng cố các biện pháp phân bổ cấp tín dụng của ngành ngân hàng |
Nhiều chuyên gia quan ngại nguy cơ nợ xấu gia tăng
Thông tin từ Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 12/2015, trên 473.000 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được xử lý (tương đương trên 106% số nợ xấu được xác định vào thời điểm tháng 9/2012). Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2015 còn 2,55% (tỷ lệ nợ xấu ước tính tháng 9/2012 là 17,2%).
Tổng nợ xấu đang giảm mạnh, nhưng nợ xấu mới vẫn phát sinh và đặc biệt là công tác xử lý nợ xấu chưa đạt được kỳ vọng.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, đến 31/3/2016, nợ quá hạn của các TCTD trên địa bàn chiếm 3,95% trong tổng dư nợ tín dụng, tăng 0,13% so với 31/12/2015; trong đó, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm khoảng dưới 3% trong tổng dư nợ.
Về xử lý nợ xấu, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc xử lý nợ xấu hầu như giậm chân tại chỗ, khiến thời điểm này mới thu hồi được hơn 10% nợ xấu, gần 90% vẫn còn nguyên trên sổ sách của VAMC. Hoạt động mua bán nợ hiện vẫn mang tính hình thức, đó là gom nợ xấu vào VAMC. Có khả năng nợ xấu sẽ quay lại với các ngân hàng.
Đồng quan điểm trên, trong cuộc trao đổi với ĐTCK, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đánh giá, một bước tiến lớn trong xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam là việc thành lập VAMC, giúp làm giảm nợ xấu theo báo cáo của các ngân hàng. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là tạm thời, trong khi yêu cầu các ngân hàng dự phòng cho các khoản nợ xấu đã chuyển giao trong một thời hạn nhất định (hiện đã tăng từ 5 năm đến 10 năm).
“Nếu không củng cố các biện pháp phân bổ cấp tín dụng của ngành ngân hàng, cải cách các quy định cần thiết và thực hiện giám sát chặt chẽ, thì nợ xấu có thể tăng trở lại trên bảng cân đối của các ngân hàng”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.
Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, hoạt động mua nợ xấu theo giá thị trường vẫn chưa được thực hiện, tiến độ bán và xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm rất chậm, khiến VAMC giống như một kho lưu giữ nợ xấu.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình hiện nay của các ngân hàng thương mại không cho phép tiếp tục các biện pháp đã được thực hiện lâu nay như khoanh nợ, giãn nợ, mua gom nợ về VAMC, bởi vì số lượng các DN phá sản là rất lớn và ngày càng gia tăng.
Kinh tế khó khăn, nhiều Doanh nghiệp ngừng hoạt động
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp, ở Việt Nam đã có 941.000 DN được đăng ký thành lập. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 DN còn hoạt động, chiếm 54,5%; 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể, chiếm 45,5%, vì nhiều lý do khác nhau.
“Điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể nói trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong đó, riêng năm 2015 là 80.000 DN, quý I/2016 có thêm gần 23.000 DN ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước”, ông Lộc nói.
“Các DN phá sản tăng lên, kéo theo nợ xấu của các ngân hàng thương mại gia tăng. Đặc biệt, nền tảng tài chính của các ngân hàng suy giảm mạnh, ROE chỉ còn 5%, ROA chỉ còn 0,5% và tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng chi phí đã tăng lên xấp xỉ 20% mà nợ xấu là nguyên nhân cơ bản”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 được Chính phủ ban hành ngày 10/5 là yêu cầu giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, NHNN theo dõi sát sao diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay…
Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, có những ý kiến quan ngại, việc đẩy tín dụng tăng mạnh sẽ không loại trừ khả năng nợ xấu đồng thời tăng.
Liên quan đến tình hình kinh tế khó khăn, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: “Tình hình khô hạn và nhiễm mặn nặng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên gần như là một thảm họa thiên tai mang tầm quốc gia. Tác động tiêu cực, theo tôi, sẽ rất ghê gớm và lâu dài”.
Cần tiếp tục xử lý nợ và kiểm soát dư nợ tín dụng
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế khuyến nghị: “Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn khoảng 2,5%. Tuy vậy, vấn đề quan trọng là cần xử lý những khoản nợ xấu còn lại, mà đó lại là những khoản nợ xấu khó xử lý hơn nhiều so với những khoản đã được xử lý trước đây. Mặt khác, cần kiểm soát tốt dư nợ tín dụng cho vay để không làm tăng thêm quy mô nợ xấu trong bối cảnh tổng tín dụng cho nền kinh tế đã tăng trên 19% năm 2015, đồng thời quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đã được thắt chặt hơn theo chuẩn mực quốc tế”.
Tại Lễ mít tinh kỷ niệm 65 năm ngành ngân hàng Việt Nam cuối tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hối thúc ngành ngân hàng, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các TCTD gắn với xử lý nợ xấu quyết liệt, hiệu quả theo lộ trình và nâng cao chất lượng tín dụng.
“NHNN cần chủ động thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những quyết sách phù hợp về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nói.