![]() |
Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tổng chiều dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, vận tốc thiết kế 350 km/h |
Thông cao tốc Bắc - Nam, mở không gian phát triển mới
Hai năm trở lại đây, người dân cả nước về quê ăn Tết cảm nhận rất rõ sự đổi thay của hạ tầng giao thông đường bộ. Mỗi năm hành trình thêm thuận lợi, nhiều cung đường như ngắn hơn bởi đã có cao tốc. Từ Hà Nội về Vinh chỉ mất hơn 3 tiếng trên cao tốc, thay vì hơn 5 tiếng như trước. Hay tranh thủ ngày nghỉ Tết, từ TP.HCM đi Nha Trang du lịch cũng chỉ mất khoảng 5 tiếng thay vì 9 - 10 tiếng đi Quốc lộ 1…
Năm 2020, nước ta mới có 1.163 km đường cao tốc, thì đến nay, chỉ sau 4 năm, con số đã được nâng lên 2.021 km. Đến hết năm 2025, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc.
Với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tháng 8/2024, Thủ tướng đã phát động thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. Tháng 12/2024, kiểm tra tại một số dự án, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát không thay đổi tiến độ, tới 31/12/2025 phải thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (từ Cao Bằng - Lạng Sơn đến Cà Mau). Đây là mệnh lệnh của trái tim, yêu cầu của đất nước, trông đợi của nhân dân.
Phát biểu tại lễ tổng kết công tác năm 2024 của ngành Giao thông vận tải (GTVT) ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm, các nhà thầu quyết tâm đưa một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa hoàn thành vượt tiến độ 3 - 6 tháng. Nhiều dự án khác đang được chủ đầu tư, nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh tiến độ với quan điểm không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Cao tốc mở ra đến đâu, kinh tế địa phương thêm rất nhiều cơ hội phát triển. Là người dành nhiều tâm huyết cho tuyến đường huyết mạch này, năm 2020, khi làm việc với Bộ GTVT về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cao tốc chưa xong, chưa thể nói đến phát triển bứt phá, cần quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam nối liền từ Lạng Sơn đến Cà Mau vào năm 2025, không bàn lùi, đất nước không thể chờ, nền kinh tế không thể chờ.
Không phải chỉ đến khi xây dựng kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, Cao tốc Bắc - Nam là trăn trở suốt nhiều năm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khi 45 năm sau giải phóng, chúng ta vẫn chưa có được tuyến đường cao tốc nối hết chiều dài đất nước. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, làm xong tuyến đường, cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, văn hóa sẽ phát triển vượt bậc, 60% dân số được hưởng lợi, là điều kiện quan trọng để nền kinh tế tăng tốc.
Những siêu dự án cho tương lai
Năm 2024 ghi dấu mốc lịch sử trong phát triển hạ tầng giao thông khi Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Kỳ họp thứ 8. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tổng chiều dài 1.541 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố, vận tốc thiết kế 350 km/h, dự kiến hoàn thành vào năm 2035.
Dự án đường sắt cao tốc bắt đầu nghiên cứu từ năm 2006, đến năm 2010, được trình ra Quốc hội, nhưng không được thông qua vì còn nhiều lo ngại về hiệu quả đầu tư, về khả năng cân đối vốn… Sau 14 năm, Dự án lại được trình Quốc hội và lần này điều kiện đã chín muồi. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, năm 2023, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp gần 3 lần so với 2010 và dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD. Nguồn lực đầu tư không còn là trở ngại lớn. Theo tính toán của Bộ GTVT, Nhà nước sẽ bố trí vốn trong khoảng 12 năm - từ 2022 đến 2035, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương 1% GDP.
Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, là dự án mang ước mơ, kỳ vọng của người dân Việt Nam, là khoản đầu tư cho tương lai. Hình ảnh đoàn tàu tốc độ cao hiện đại, rẽ gió lao đi vun vút như chứa đựng kỳ vọng phát triển bứt phá, thịnh vượng của nền kinh tế.
“Từng được trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở châu Âu, tôi rất khao khát Việt Nam có được loại hình giao thông này”, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân chia sẻ khi thảo luận về Dự án tại Kỳ họp thứ 8. Theo ông Ngân, đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động sẽ mang lại thuận lợi cho người dân, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, qua đánh giá sơ bộ, nếu được đưa vào triển khai từ nay đến năm 2035, mỗi năm tác động của đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao sẽ mang lại thêm khoảng 0,97 điểm % GDP. Đây là con số hết sức đáng kể, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Cùng với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, 2 cực tăng trưởng của đất nước là Hà Nội và TP.HCM cũng dự kiến những khoản đầu tư rất lớn để xây dựng đồng bộ hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị. Theo đó, giai đoạn 2024 - 2030, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 96,8 km đường sắt đô thị, đồng thời triển khai công tác chuẩn bị đầu tư 301 km, tổng nhu cầu vốn dự kiến khoảng 14,602 tỷ USD. Giai đoạn 2031 - 2035, Thành phố dự kiến hoàn thành xây dựng 301 km đường sắt đô thị với tổng nhu cầu vốn là 22,572 tỷ USD.
TP.HCM đề xuất mục tiêu đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị với nhu cầu vốn hơn 40 tỷ USD, chiều dài khoảng 355 km, bảo đảm vận tải hành khách công cộng đạt từ 40 - 50% nhu cầu đi lại. Đến năm 2045, hoàn thành thêm 155 km (hoàn chỉnh tuyến số 8 đến số 10), nâng tổng chiều dài lên 510 km; bảo đảm vận tải hành khách công cộng đạt 50 - 60% nhu cầu đi lại của người dân.
Thực tiễn từ vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội tại TP. Hà Nội và tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP.HCM cho thấy nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng là rất lớn.
Không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, theo giới chuyên gia, đường sắt đô thị sẽ mở ra không gian phát triển mới cho 2 đầu tàu kinh tế trước yêu cầu đất nước hướng đến các mục tiêu phát triển cao hơn.
Việc triển khai đường sắt đô thị cùng với triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và một số hệ thống đường sắt quốc gia sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất; thị trường tiềm năng khổng lồ cho công nghiệp đường sắt Việt Nam; phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; tạo ra hàng triệu việc làm, mang thịnh vượng đến nhiều con người, nhiều vùng đất.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu