Những rủi ro nào cần lưu tâm trên thị trường chứng khoán?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau sự bứt phá của năm 2020, thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục và tăng trưởng, lượng nhà đầu tư tiếp tục tăng mạnh với số lượng lên tới 2,8 triệu, tương đương gần 3% dân số trong nước. Tuy nhiên, chỉ số Vn-Index sau khi vượt mốc 1.200 điểm đang có sự trồi sụt khó dự báo. Bên cạnh đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ra cũng cho thấy một số rủi ro cần lưu tâm hiện nay.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tại buổi toạ đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững" sáng ngày 31/3, ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VPS - cho biết, khối ngoại đã bán ròng rất mạnh khoảng 18.000 tỷ đồng kể từ đầu năm 2021 đến nay. Còn theo số liệu của ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, trước đây nhà đầu tư nước ngoài sở hữu khoảng 21 - 22% vốn các mã niêm yết, nay con số này xuống còn 18%. Qua đó cho thấy thị trường đang tồn tại một số rủi ro.

Theo Chuyên gia kinh tế, T.S Lê Xuân Nghĩa, trong khi nhiều nước trên thế giới như Mỹ đưa ra các chính sách phục hồi nền kinh tế rất lớn thì nước ta vẫn chưa có nhiều đột biến. Nhiều doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh khó khăn do Covid-19 trong thời gian qua. Do đó, sức bật của kinh tế trong nước có thể thấp hơn so với các nước khác khi mà khủng khoảng qua đi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến dòng tiền nước ngoài rút ra khỏi thị trường Việt Nam và có thể đang về lại các nền kinh tế có sức bật tốt hơn.

Đồng tình với quan điểm của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB đánh giá, Chính phủ các nước tung các gói hỗ trợ chưa từng có, đơn cử như Mỹ đã "bơm" 300 tỷ USD ra nền kinh tế, tương đương 3 gói QE từ các giai đoạn trước cộng lại, giúp thị trường chứng khoán nước này tăng trưởng mạnh. Còn tại Việt Nam, lãi suất thấp nhất trong chu kỳ 10 năm nhưng chính sách tài khoá hỗ trợ chưa thấy rõ.

Một trong những rủi ro sắp tới của thị trường, theo ông Sơn, còn đến từ mức giá của thị trường hiện tại không còn rẻ. PE của thị trường ở mức 18 - 19 lần là mức định giá rất cao. P/E thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang 30 - 35 lần, P/E thị trường Mỹ đang cao nhất lịch sử. Nếu cung tiền chững lại, nhà đầu tư sẽ quay sang bán. Đó là lý do tại sao thị trường chứng khoán Việt Nam lên tới 1.200 điểm rồi lại xuống.

Một rủi ro khác được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm là nợ xấu. T.S Vũ Bằng - nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, các vấn đề vĩ mô nhìn chung đang vững chắc, không có nhiều biến động, các giải pháp kích thích kinh tế chưa đến mức mạnh để xảy ra lạm phát. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có bất lợi, đó là việc lãi suất tăng trở lại và đảo chiều dòng vốn. Cụ thể, nếu thị trường chứng khoán và bất động sản tăng trưởng nóng sẽ dẫn tới điều chỉnh lãi suất, đây là vấn đề cần quan tâm nhất. Ngoài ra, nợ toàn cầu với con số khoảng 225.000 tỷ USD qua quá trình kích thích kinh tế vừa rồi lại càng gia tăng cũng là yếu tố bất ổn cần lưu ý.

Với trong nước, T.S Vũ Bằng cho rằng, nợ xấu sẽ có sự gia tăng do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn từ Covid-19, trong khi các ngân hàng đang thực hiện giãn, kéo các khoản nợ.

Trích số liệu từ tham luận của T.S Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nợ xấu nội bảng dự báo có thể ở mức 3% và nợ xấu gộp có thể lên đến 4,5 - 5%. Do đó, rủi ro nợ xấu là hiện hữu và có thể bộc lộ rõ hơn bởi tác động của dịch bệnh đối với hệ thống các tổ chức tín dụng có độ trễ, doanh nghiệp và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Chuyên đề