Quân La Mã hủy diệt Jerusalem sau chiến dịch vây hãm. Ảnh:TopTenz. |
Hãm thành là chiến thuật quân sự đã được áp dụng suốt hàng nghìn năm, với mục đích buộc lực lượng bị bao vây mệt mỏi, đói khát tới mức phải đầu hàng. Trong lịch sử cổ đại, chiến thuật vây hãm này được sử dụng rất phổ biến, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho binh lính và người dân trong các tòa thành bị bao vây, theo WATM.
Trận bao vây Jerusalem
Sau cuộc nổi loạn của người Do Thái năm 66, La Mã quyết định dập tắt hoàn toàn cuộc nổi dậy này. Hoàng đế La Mã Titus Flavius triển khai 70.000 lính bao vây thành Jerusalem, nơi có gần 40.000 quân phòng thủ vào năm 70.
Sau khi dùng 4 quân đoàn bao vây thành phố, Titus cố gắng đàm phán với lực lượng thủ thành bằng việc cử sứ giả Do Thái Josephus đến thương thuyết. Tuy nhiên, Josephus bị thương sau khi trúng một mũi tên, khiến cuộc vây hãm tiếp tục diễn ra. Dần dần cư dân trong thành rơi vào cảnh đói khát, buộc phải ăn uống bất kỳ thứ gì có thể tìm thấy. Một số người thậm chí còn ăn thịt đồng loại.
Cuối cùng, quân La Mã sử dụng chiến thuật đột kích bí mật trong đêm khuya, chọc thủng tường thành và bắt đầu tàn sát người dân. Một số tòa nhà bị san phẳng và cướp bóc, trong đó đền thờ Do Thái bị phá hủy theo lệnh của Titus. Gần như toàn bộ người sống sót bị gom lại và bán làm nô lệ, trong khi hơn 1 triệu người khác bị thảm sát trên đường phố.
Chiến dịch hãm thành Baghdad
Năm 1258, đội quân 100.000-150.000 của đế chế Mông Cổ cùng nhiều nước chư hầu dưới quyền Húc Liệt Ngột, cháu của Thành Cát Tư Hãn, bao vây thành phố Baghdad, sau khi chinh phạt hầu hết Iran và miền bắc Iraq.
Ngay sau khi hạ trại, Húc Liệt Ngột ra lệnh công thành, nhưng không có đạn cho máy bắn đá. Việc chở các tảng đá cần thiết để công thành mất tới ba ngày. Trong lúc tìm các khối đá phù hợp để bắn phá tường thành, Húc Liệt Ngột ra lệnh cho cung thủ bắn tên chứa thông điệp khẳng định cư dân trong thành sẽ được đối xử tốt nếu đầu hàng.
Quân Mông Cổ đập phá các tòa nhà ở vùng ngoại ô Baghdad để lấy đá, đồng thời chặt hàng loạt cây cọ để làm đạn công thành. Quốc vương Baghdad nhanh chóng cử sứ thần để hòa đàm, nhưng họ lập tức bị tống giam vì Húc Liệt Ngột muốn đối phương đầu hàng vô điều kiện.
Húc Liệt Ngột khi vào ngân khố của thành Baghdad. Ảnh:Wikipedia.
Quân Mông Cổ tập trung tấn công tháp Ajami, san phẳng nó trở thành bình địa rồi tràn vào thành, chiếm được phía đông Baghdad. Húc Liệt Ngột gửi thông điệp cho quân đội Baghdad khuyên họ hạ vũ khí và rời vị trí phòng thủ.
Nhận thấy không thể thắng bằng vũ lực, các cận thần khuyên quốc vương Baghdad bỏ trốn, nhưng một người tên Ibn Alquami đề nghị quốc vương gả con gái cho Húc Liệt Ngột để chấm dứt cuộc vây hãm.
Quốc vương đồng ý và đưa quân đội ra khỏi thành, nghĩ rằng họ sẽ được rút quân về Syria. Tuy nhiên, toàn bộ đội quân này bị lính Mông Cổ giết chết, quốc vương và các con trai cũng bỏ mạng. Quân Mông Cổ tràn vào thành Baghdad, tàn sát không nương tay trong suốt 40 ngày. Ước tính có khoảng 2 triệu người đã thiệt mạng, chưa kể tới rất nhiều người bị bán làm nô lệ, sau cuộc hãm thành thảm khốc này.
Trận vây hãm Kaffa
Đây là trận chiến để lại hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại, bệnh dịch hạch ở châu Âu cũng bắt nguồn từ đây.
Genoa và Mông Cổ ký hiệp ước năm 1266, quy định Kaffa là trung tâm thương mại giữa châu Âu và Viễn Đông, với điều kiện người Mông Cổ kiểm soát thành phố và sẽ trả lại sau.
Tới năm 1343, cư dân địa phương theo Cơ đốc giáo và người Hồi giáo ở Tana xảy ra xung đột, khiến họ phải chạy đến Kaffa để trốn. Vua Mông Cổ Jani Beg cho quân đuổi theo người Cơ đốc giáo, phát hiện họ trốn ở Kaffa nên quyết định bao vây thành phố. Năm 1344, quân Genoa phá vây thành công, tiêu diệt 15.000 quân của Jani Beg và phá hủy vũ khí công thành.
Vua Jani Beg tiếp tục vây hãm Kaffa vào năm 1346. Trong lúc bao vây thành phố, một dịch bệnh bí ẩn bùng phát tại các trại quân khiến nhiều lính Mông Cổ tử vong. Thấy vậy, quân Mông Cổ quyết định sử dụng máy bắn đá phóng thi thể người chết vì dịch bệnh vào thành với hy vọng chúng sẽ giết chết mọi người bên trong.
Quân Mông Cổ bắn thi thể người nhiễm bệnh vào thành. Ảnh:Wikipedia.
Hàng núi xác chết thối rữa được bắn vào thành, làm ô nhiễm không khí, đầu độc nguồn nước, gây mùi hôi thối nồng nặc khắp thành, dù quân Genoa đã cố gắng vứt nhiều thi thể xuống biển. Những người nhiễm bệnh từ xác chết lại lây sang nhiều người khác, trong khi không ai biết biện pháp phòng ngừa, theo sử gia Gabriel de Mussis.
Kiệt quệ vì dịch bệnh, Kaffa đầu hàng năm 1349. Một số người Genoa trốn lên tàu trở về Italy mà không hề biết rằng mình đã bị nhiễm bệnh dịch hạch.
"Trong số những người thoát khỏi thành Kaffa bằng tàu, nhiều người bị nhiễm mầm bệnh. Một số tàu đến Genoa, số khác đến Venice và khu vực người Cơ đốc giáo, dẫn tới việc lây bệnh cho người dân ở đó", sử gia Mussis viết.
Trận Kaffa năm 1346 có thể là cuộc bao vây đẫm máu nhất trong lịch sử. Hậu quả của nó là bệnh dịch hạch lan ra khắp châu Âu, cướp đi sinh mạng của khoảng 50 triệu người trên tổng số 80 triệu dân sống tại châu lục này thời điểm đó.
Trận bao vây Tenochtitlan
Đây là trận đánh cuối cùng, mang tính chất quyết định giữa người Aztec bản địa và quân đội thực dân Tây Ban Nha ở Mexico.
Năm 1520, hầu tước Hernán Cortés chỉ huy đội quân 200.000 người vây hãm Tenochtitlan, thủ đô của người Aztec, với quyết tâm tiêu diệt dân bản địa để chiếm đất đai và tài nguyên giàu có về cho Tây Ban Nha. Lực lượng phòng thủ Aztec có gần 300.000 người, trong khi Tây Ban Nha có lợi thế công nghệ đáng kể, giúp họ chiếm thế thượng phong.
Thời gian đầu, người Aztec giành được một số thắng lợi nhỏ, nhưng sau đó họ bị nhiễm bệnh đậu mùa, khiến lực lượng phòng thủ suy yếu đáng kể. Nhận thấy việc xâm chiếm qua từng cứ điểm là bất khả thi, Hầu tước Cortés ra lệnh pháo kích thành phố, phá hủy mọi công trình cho đến khi người Aztec đầu hàng.
Cuộc vây hãm kéo dài chỉ gần ba tháng nhưng khiến hơn 200.000 người thiệt mạng, chủ yếu là người dân Tenochtitlan.