Nhiều rủi ro pháp lý khi đấu giá tài sản thi hành án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cố tình kéo dài việc thi hành án thông qua thủ tục đo vẽ, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản (ĐGTS); việc thực hiện quy định của pháp luật về ĐGTS khi xử lý công tác thi hành án dân sự (THADS)… có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người có tài sản, cán bộ, cơ quan thi hành án.
Việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu giá tài sản khi xử lý công tác thi hành án dân sự có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho cán bộ, cơ quan thi hành án. Ảnh: NC st
Việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu giá tài sản khi xử lý công tác thi hành án dân sự có thể tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho cán bộ, cơ quan thi hành án. Ảnh: NC st

Theo tổng kết của Tổng cục THADS, 6 tháng qua (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 30/3/2023 - theo quy định về chế độ báo cáo trong hệ thống THADS), vẫn còn sai sót, vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro đối với một số nhóm việc, quy trình thi hành án như: thẩm định giá, bán ĐGTS, quản lý thu, nộp tiền thi hành án. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại một số cơ quan còn chưa sâu sát, quyết liệt, có nơi để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm thời gian dài, nhưng lãnh đạo chi cục, cục THADS không kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, khắc phục, dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp hoặc phát sinh trách nhiệm bồi thường, có trường hợp phải xem xét trách nhiệm hình sự. Quy trình kiểm tra đã được Tổng cục THADS quy định cụ thể, rõ ràng nhưng có nơi thực hiện chưa nghiêm, chưa tốt (nhất là tự kiểm tra).

Báo cáo của Cục THADS TP.HCM chỉ rõ, một số vụ việc để kéo dài, không tuân thủ thời hạn theo luật định, thậm chí có biểu hiện cố tình kéo dài việc thi hành án thông qua thủ tục đo vẽ, kê biên, thẩm định giá, bán ĐGTS. Còn có trường hợp sau khi tổ chức đấu giá thành công, người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền, nhưng chấp hành viên chậm tổ chức cưỡng chế bàn giao tài sản theo đúng hợp đồng mua tài sản bán đấu giá cho người trúng đấu giá, ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của ngân hàng.

Cục THADS Bình Dương cho biết, một số khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS có liên quan đến quy định của pháp luật về ĐGTS. Cụ thể, Khoản 1 Điều 39 Luật ĐGTS quy định: “…Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức ĐGTS tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nhà nước tại Việt Nam…”. Tuy nhiên, nếu thực hiện quy định này sẽ tạo rủi ro cho các cơ quan THADS vì có nhiều tài sản giá trị rất lớn, có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng, số tiền đặt trước có thể từ 50 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng. Điển hình như vụ Công ty CP Đấu giá Đông Hải sau khi bán đấu giá không chuyển tiền cho cơ quan THADS mà rút tiền sử dụng vào mục đích cá nhân. Khi xảy ra sự việc, trách nhiệm bồi thường là của cơ quan THADS.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 39 Luật ĐGTS quy định: “Tổ chức ĐGTS chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 3 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá…”. Theo quy định này, có những cuộc đấu giá người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước sát ngày mở cuộc đấu giá. Tại thời điểm có người đặt cọc, tổ chức đấu giá mới thông báo để chấp hành viên tham gia cuộc ĐGTS. Như vậy, chấp hành viên không kịp ra thông báo để đương sự (đặc biệt là người phải thi hành án) tham gia đấu giá theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật THADS.

Cục THADS Bến Tre cho rằng, một số tồn tại, hạn chế trong công tác THADS tại địa phương này do người dân không tiếp cận được thông tin (các công ty bán đấu giá chỉ thông báo trên đài truyền hình địa phương, niêm yết tại UBND xã, phường, thị trấn…). Cùng với đó, quy định pháp luật về ĐGTS có cơ chế giảm giá nên người dân có tâm lý chờ giảm giá đến mức thấp nhất để mua tài sản...

Những tháng cuối năm 2023, dự báo khối lượng công việc thi hành án có xu hướng tăng, Tổng cục THADS yêu cầu, thủ trưởng cơ quan THADS phải bảo đảm kiểm soát đối với 100% vụ việc liên quan đến ĐGTS; rà soát chặt chẽ quy trình thủ tục THADS, hồ sơ pháp lý của tài sản đưa ra bán đấu giá.

Ngoài ra, phải thực hiện nghiêm quy định về đăng tải công khai thông báo lựa chọn tổ chức ĐGTS, chấm điểm, thông báo kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS theo Thông tư số 02/2022/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức ĐGTS, quy trình lựa chọn tổ chức thẩm định giá, ĐGTS để thi hành án. Nghiêm cấm việc chưa hết thời gian thông báo công khai lựa chọn tổ chức đấu giá trên cổng thông tin điện tử của đơn vị và Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS đã thực hiện việc chấm điểm và thông báo kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS. Nội dung thông báo ĐGTS cần nêu rõ ràng, cụ thể để đảm bảo việc đăng tải công khai, minh bạch thông tin về tài sản đưa ra bán đấu giá.

Chuyên đề