Nhiều doanh nghiệp tích cực hút vốn qua chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, thị trường chứng khoán sôi động từ cuối năm 2020 đã giúp nhiều doanh nghiệp huy động nguồn vốn trung và dài hạn để chống chọi với dịch Covid-19, phát triển sản xuất kinh doanh.
Tính đến hết quý III/2021, tổng quy mô thị trường chứng khoán đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP cả nước. Ảnh: Trung Anh
Tính đến hết quý III/2021, tổng quy mô thị trường chứng khoán đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP cả nước. Ảnh: Trung Anh

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết quý III/2021, tổng quy mô thị trường chứng khoán đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP cả nước. Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới con số gần 4 triệu, trong đó số tài khoản mở mới riêng trong 9 tháng đầu năm 2021 tăng 70% so với cả năm 2020. Thanh khoản thị trường luôn ở mức cao trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong thời gian gần đây khi đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.

Dòng tiền vào mạnh là tiền đề quan trọng cho doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh không dễ tiếp cận nguồn tín dụng.

Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), 2 năm qua, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp rất khó tiếp cận các khoản vay mới vì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và các quan ngại dịch bệnh chưa thể lượng hoá. Có thể nói rằng, năm 2020 - 2021, thị trường chứng khoán đã thực hiện sứ mệnh khơi thông nguồn vốn giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, SHS đã tư vấn phát hành thành công xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và 17.000 tỷ đồng phát hành cổ phiếu cho doanh nghiệp tại tất cả các lĩnh vực, trong đó có những thương vụ phát hành cổ phiếu thông qua hình thức đấu giá.

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, thời gian qua, nhiều thương vụ phát hành cổ phiếu qua hình thức đấu giá đã nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư. Mới đây, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings đã bán đấu giá thành công 10 triệu cổ phần mới cho 86 nhà đầu tư với giá đấu thành công bình quân 13.549 đồng/cổ phiếu, cao hơn gần 13% so với giá khởi điểm, qua đó thu về hơn 135 tỷ đồng.

Cuối tháng 9/2021, Công ty CP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành phát hành thành công 10 triệu cổ phần qua kênh đấu giá, thu về hơn 106,7 tỷ đồng. Vào tháng 7/2021, Công ty CP Sản xuất và Thương mại Nhựa Việt Thành bán đấu giá thành công 5 triệu cổ phần cho 150 nhà đầu tư, thu về hơn 55,4 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Thế, Cố vấn Hội đồng quản trị Công ty CP Xây dựng 1369 chia sẻ, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp thiếu nguồn vốn và dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thì thị trường chứng khoán đã giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề này. Nếu doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào vay ngân hàng thì sẽ có rất nhiều rủi ro. Đối với Công ty CP Xây dựng 1369, việc huy động vốn có lúc thăng trầm, khó khăn tưởng chừng bỏ cuộc. Kể từ khi lên sàn cách đây 5 năm, nhờ thị trường chứng khoán, quy mô vốn của Công ty từ 50 tỷ đồng, nay đã 600 tỷ đồng. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì đây là sự phát triển vượt bậc nhờ mạnh dạn tham gia thị trường.

Việc doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để huy động vốn trong bối cảnh thị trường khởi sắc là tín hiệu tích cực. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bên cạnh việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do đại dịch Covid-19, gần 50% số doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh. Việc dựa quá nhiều vào vốn vay, trong đó chủ yếu vay qua các tổ chức tín dụng thay vì vốn chủ sở hữu khiến doanh nghiệp dễ gặp rủi ro liên quan đến nguồn vốn, dòng tiền kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự hưng phấn và tăng trưởng mạnh mẽ số lượng nhà đầu tư cá nhân cũng tạo ra rủi ro đi kèm. Ngoài ra, thị trường trái phiếu tăng trưởng mạnh, xuất hiện rủi ro và phải có biện pháp phòng ngừa. Thị trường chứng khoán có nhiều thuận lợi để tăng trưởng, nhưng rủi ro cũng lớn, cần kiểm soát chặt, có giải pháp đảm bảo phát triển ổn định, bền vững.

Chuyên đề