Chiếc ghế “nóng” điều hành CEO của Eximbank vẫn đang là “ẩn” số. Ảnh: Chí Cường |
Ghế “nóng” ngân hàng ngày càng trở nên “rát bỏng”, khi cuộc “đại phẫu” ngành ngân hàng sắp đến giai đoạn kết thúc. Đáng chú ý là ở những ngân hàng kết quả kinh doanh sa sút do nợ xấu tăng buộc phải tái cấu trúc càng làm cuộc chiến giành vị trí ghế “nóng” trở nên hết sức gay gắt.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sau khi ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT từ nhiệm, thị trường tài chính lại chứng kiến việc ông Phạm Hữu Phú rời vị trí Tổng giám đốc (CEO), kiêm Phó chủ tịch HĐQT chỉ sau hơn 1 năm quay lại điều hành nhà băng này.
Đại hội cổ đông bất thường của Eximbank ngày 15/12/2015 vừa qua đã thông qua việc bầu nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới cho giai đoạn 2015 - 2020. Hiện ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập Eximbank đã được bầu ngồi vào ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank. Tuy nhiên, ghế “nóng” điều hành CEO vẫn còn là “ẩn” số.
Quyền tổng giám đốc đến nay vẫn do ông Trần Tấn Lộc nắm giữ, song các thông tin xuất hiện, khả năng trong kỳ đại hội tới, Eximbank cũng sẽ có thay đổi ở vị trí này. Đến nay, Eximbank chưa công bố ngày chốt danh sách cuối cùng để tiến hành đại hội cũng như bất kỳ các thông tin liên quan, nhưng theo một nguồn tin, khả năng Eximbank sẽ tiến hành ĐHCĐ vào cuối tháng 4/2016.
Và có một tình tiết đang được thị trường chờ đợi đó là liệu trong kỳ đại hội lần này, HĐQT Eximbank có bầu bổ sung thêm thành viên là người cũ của Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank). Vì hiện nguyên 2 lãnh đạo của Nam A Bank đang nắm giữ hơn 20% cổ phần của Eximbank, nhưng đã bất ngờ bị loại khỏi danh sách ứng cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 tại đại hội bất thường của nhà băng này vào cuối 2015. Thị trường đang hướng về đại hội của Eximbank để xem bài toán nhân sự cấp cao ở nhà băng này ra sao.
Trước thềm ĐHCĐ đã không ít nhà băng có thông báo đến cổ đông về ngày chốt danh sách lấy ý kiến bằng văn bản bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới. Chẳng hạn tại, Ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank), Sài gòn Công thương Ngân hàng (Saigonbank), Ngân hàng Sài gòn thương tín (Sacombank)… Trong đó, MaritimeBank dự kiến sẽ tiến hành đại hội vào ngày 14/4 và dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT.
Với Sacombank, sau khi công bố ngày chốt danh sách lấy ý bầu bổ sung dự kiến 5-7 thành viên HĐQT thì trong sáng ngày 1/3 nhà băng này đã hủy việc bầu bổ sung thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới 2016-2020. Nội dung này đã không được Sacombank đưa vào nội dung ĐHCĐ kỳ họp thường niên dự kiến diễn ra trong quý 2/2016 tới đây. Tuy nhiên, các thông tin đang xuất hiện trên thị trường hiện nay cho thấy, khả năng trong kỳ đại hội thường niên lần này, nhân sự cấp cao tại Sacombank tiếp tục biến động mạnh, cả với ghế “nóng” nhất.
Theo đó, ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của Sacombank tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Sacombank sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên liên quan. Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện quyền cổ đông đối với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của ông Trầm Bê và những người có liên quan cũng như NHNN sẽ cử người tham gia quản trị, điều hành Sacombank sau sáp nhập, đảm bảo ngân hàng này hoạt động an toàn và thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu của hai ngân hàng.
Dự kiến đại diện của Nhà nước sẽ tham gia vào HĐQT Sacombank sau kỳ đại hội thường niên sắp diễn ra trong tháng 4 tới, chính thức có mặt trong HĐQT. Thị trường còn xuất hiện thông tin khả năng ghế “nóng”điều hành CEO của Sacombank cũng sẽ thay đổi.
Vì thế, trên thị trường đang đồn đoán dưới sự chỉ đạo của NHNN sẽ có người của một ngân hàng có vốn nhà nước sang nắm quyền điều hành cấp cao tại Sacombank sau kỳ đại hội lần này. Trong khi đó, có thông tin, chính người NHNN sẽ ngồi ghế “nóng” Sacombank. Nhân sự chủ chốt tại nhà băng này đang được xem là một ẩn số trước thềm ĐHCĐ, nhất là sau khi Sacombank hủy việc lấy ý kiến bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Bộ máy nhân sự cấp cao của Sacombank lại có sự biến động, trong khi trước đó nhiều người nghĩ rằng, ông Trầm Bê sẽ là người nắm quyền điều hành nhà băng này lâu dài sau khi cùng nhóm cổ đông lớn thâu tóm quyền điều hành Sacombank (ông Đặng Văn Thành phải ra đi) và sáp nhập SouthernBank vào Sacombank - vốn được xem kế hoạch hoàn hảo. Sacombank đã không dưới 3 lần thay Chủ tịch HĐQT trong 3 năm kể từ khi Ngân hàng rơi vào tay của nhóm cổ đông lớn, trong đó có ông Trầm Bê, ông Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch Eximbank và ông Phạm Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Sacombank, đồng thời là nguyên CEO Eximbank.
Ngoài các ngân hàng trên, nhân sự ở một số nhà băng nhỏ dự kiến cũng sẽ có sự thay đổi trong mùa ĐHCĐ năm nay, song không quá mạnh và ồ ạt. Chẳng hạn tại Saigonbank, bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT. Bởi cách đây không lâu nhà băng này đã bất ngờ thay ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT. Tuy nhiên, cổ đông Saigonbank và thị trường đang chờ đợi kỳ ĐHCĐ của Ngân hàng để chất vấn việc M&A khi năm qua nhà băng này một lần nữa không thể thực hiện kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình còn khẳng định, với quy mô nền kinh tế như Việt Nam chỉ cần 15 ngân hàng hoạt động là vừa đủ. Trong đó, không phân biệt lớn hay nhỏ mà dựa trên các tiêu chí hoạt động có an toàn, lành mạnh hay không. Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2016 sẽ buộc các ngân hàng phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo rủi ro trong hoạt động, tăng vốn điều lệ đúng quy định hoặc đẩy mạnh việc M&A. Nếu không tăng được NHNN sẽ mua lại cổ phần để tham gia. Vì vậy, theo các chuyên gia tài chính, còn nhiều nhà băng thay Chủ tịch HĐQT, CEO.
M&A ngân hàng được dự báo chưa hết “nóng”, nhất là khi thị trường còn không ít nhà băng có mức vốn 3.000 tỷ đồng đang tồn tại và nợ xấu vẫn đang được đẩy mạnh xử lý. Chủ trương của NHNN là đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo để lành mạnh hệ thống. Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, ngân hàng khó loại trừ biến động nhân sự cấp cao ở lĩnh vực này trong mùa ĐHCĐ diễn ra quý 2 năm nay.