Nhà thầu gặp khó do chính sách điều chỉnh giá không sát thực tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, nếu tính theo chỉ số giá các địa phương, đối với các gói thầu xây lắp thuộc cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công, hệ số bù giá bình quân các gói thầu kể từ thời điểm khởi công đến quý II/2022 tăng từ 1,8 - 8%, bao gồm toàn bộ các yếu tố điều chỉnh theo công thức điều chỉnh giá của hợp đồng.
Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4

Đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), chỉ số trượt giá được tính toán trong tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3,05%. Hợp đồng thực hiện dự án giữa nhà đầu tư BOT với Bộ Giao thông vận tải chưa có nội dung điều chỉnh giá khi chỉ số trượt giá các loại vật liệu vượt quá chỉ số trượt giá đã tính toán trong tổng mức đầu tư dự án.

Thực tế triển khai các gói thầu xây lắp cho thấy, chỉ tính riêng biến động của một số chủng loại vật liệu chính (chưa tính biến động chi phí máy thi công, nhân công) đã tăng khoảng 20 - 30%. Các quy định “cứng” về điều chỉnh giá đã ảnh hưởng rất lớn đến chi phí thực tế thanh toán cho nhà thầu và nhà đầu tư, khiến tài chính nhà thầu gặp khó khăn khi tham gia các gói thầu xây lắp.

Về vướng mắc này, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để các bộ, ngành liên quan giải quyết song đến nay, chưa có giải pháp tháo gỡ nào được đưa ra.

Bên cạnh đó, việc công bố chỉ số giá của địa phương thường chậm, không phản ánh đúng với thực tế biến động giá. Nhà thầu thường xuyên phải chờ đợi địa phương ban hành chỉ số điều chỉnh giá mới làm được các thủ tục điều chỉnh giá nên không được thanh toán kịp thời khối lượng công việc đã thực hiện. Nhà thầu kiến nghị, không cần thiết phải chờ địa phương công bố chỉ số giá mà cho tạm áp dụng chỉ số giá tại thời điểm gần nhất hoặc sử dụng chỉ số giá của Tổng cục Thống kê công bố để đưa vào hồ sơ thanh toán điều chỉnh giá, khi có chỉ số giá chính thức sẽ tiến hành điều chỉnh.

Chuyên đề