Nhà thầu chờ cơ chế thưởng hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với gói thầu xây lắp thuộc các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở pháp lý để hiện thực hóa cơ chế thưởng hợp đồng, tạo động lực cho nhà thầu chủ động, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Theo Bộ KH&ĐT, số tiền dư sau đấu thầu các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất rõ ràng và đủ lớn để xem xét thưởng hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên
Theo Bộ KH&ĐT, số tiền dư sau đấu thầu các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất rõ ràng và đủ lớn để xem xét thưởng hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên

Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 11 Điều, phạm vi áp dụng là các gói thầu xây lắp của các dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn tiền thưởng hợp đồng được lấy từ số tiền dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu), là chênh lệch giữa giá gói thầu theo dự toán được duyệt (không tính dự phòng) và giá trúng thầu (không tính dự phòng). Nguồn tiền thưởng hợp đồng nằm trong phạm vi gói thầu nên không phát sinh nguồn tiền mới để thưởng hợp đồng.

Theo dự kiến, trường hợp nhà thầu rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng từ 20% trở lên thì được thưởng 100% số tiền dư sau đấu thầu.

Theo Bộ KH&ĐT, thời gian thực hiện theo hợp đồng là thời gian được xác định cụ thể trong hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu, không tính thời gian gián đoạn do các yếu tố chủ quan từ phía chủ đầu tư, yếu tố khách quan vì các lý do bất khả kháng được hai bên thỏa thuận.

Các gói thầu xây lắp thuộc các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã ký hợp đồng trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành vẫn được áp dụng quy định về thưởng hợp đồng.

Bộ KH&ĐT khẳng định, do cơ chế chỉ định thầu của các dự án nằm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải tiết kiệm tối thiểu 5% dự toán nên số tiền dư sau đấu thầu (dùng làm tiền thưởng hợp đồng) là rất rõ ràng và đủ lớn để xem xét thưởng hợp đồng. Trong khi đó, số tiền dư sau đấu thầu của các dự án khác thường rất thấp, số tiền thưởng là không đáng kể nên việc áp dụng quy định thưởng hợp đồng một cách đại trà là không khả thi.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Phan Phú - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty 319 cho biết, được áp dụng cơ chế thưởng hợp đồng là mong muốn lớn của nhà thầu, không chỉ thuần túy là số tiền thưởng nhà thầu được nhận, mà còn là danh dự và uy tín của nhà thầu khi tham gia các gói thầu giao thông lớn. Nhà thầu hy vọng Chính phủ sớm ban hành Nghị định này để các quy định về thưởng hợp đồng có cơ sở đi vào thực tiễn, động viên, khích lệ nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình. Để “thưởng, phạt phân minh”, trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng, cần phân định rõ trách nhiệm của nhà thầu, của chủ đầu tư và các bên liên quan.

Xuất phát từ thực tế công tác giải phóng mặt bằng cũng góp phần rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án, nhiều nhà thầu mong muốn Nhà nước có quy định thưởng hợp đồng cho cả phần khối lượng công việc giải phóng mặt bằng để những người thực hiện phần công việc này nỗ lực hết mình, đồng hành, sát cánh với nhà thầu trong việc rút ngắn tiến độ thực hiện dự án.

Theo ý kiến của Bộ KH&ĐT, 3 loại gói thầu chính ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án là gói thầu xây lắp, gói thầu tư vấn giám sát và gói thầu thuộc dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư. Trong đó, gói thầu tư vấn giám sát có thời gian thực hiện phụ thuộc vào thời gian thực hiện gói thầu xây lắp nên việc đánh giá tiến độ thực hiện để xác định tiền thưởng rất khó đảm bảo chính xác. Còn gói thầu thuộc dự án đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư thường phức tạp, kéo dài và liên quan nhiều tới trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, người dân nên rất khó xác định được mức thưởng cho từng đối tượng một cách hợp lý. Để thuận lợi trong việc tính toán, xác định số tiền thưởng, Bộ KH&ĐT kiến nghị chỉ áp dụng việc thưởng hợp đồng đối với các gói thầu xây lắp.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng và Xuất nhập khẩu 168 Việt Nam cho biết, nhà thầu rất phấn khởi và hy vọng Việt Nam sớm có cơ chế thưởng hợp đồng khả thi. Việc áp dụng cơ chế này sẽ tạo động lực để nhà thầu nỗ lực hơn trong quá trình thi công nhằm rút ngắn tiến độ. Nhà thầu cũng cân nhắc và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để đẩy nhanh tiến độ, tăng ca, tăng kíp ở các mũi thi công. Trên cơ sở cơ chế thưởng hợp đồng, nhà thầu sẽ khoán thưởng, đưa ra các định mức thưởng đối với việc rút ngắn thời gian thi công tại các hạng mục, các chỉ huy trưởng công trường, các tốp thợ, đội ngũ thi công… Từ đó tạo động lực tập thể và chắc chắn sẽ đẩy nhanh được tiến độ thực hiện dự án.

Chuyên đề