Thưởng hợp đồng: Tạo động lực cho nhà thầu nỗ lực, sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu ủng hộ nỗ lực xây dựng Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng tại các công trình trọng điểm để tạo động lực khuyến khích các nhà thầu dồn sức, tăng ca, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới. Điều mong mỏi của nhà thầu là tiêu chí thưởng cần rõ ràng, minh bạch và khả thi để động lực tạo nên từ cơ chế là thiết thực.
Nhiều nhà thầu ủng hộ nỗ lực xây dựng Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng tại các công trình trọng điểm để tạo động lực khuyến khích các nhà thầu dồn sức, tăng ca...để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Nhiều nhà thầu ủng hộ nỗ lực xây dựng Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng tại các công trình trọng điểm để tạo động lực khuyến khích các nhà thầu dồn sức, tăng ca...để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội về nội dung Dự thảo Nghị định quy định chế độ thưởng hợp đồng đối với các gói thầu liên quan đến triển khai đầu tư xây dựng dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Dự thảo Nghị định gồm 4 Chương, 10 Điều quy định về thưởng hợp đồng (gồm mục tiêu và nguyên tắc thưởng, nguồn tiền thưởng hợp đồng, phương pháp tính số tiền thưởng); trình tự, hồ sơ, thanh toán, kiểm tra, giám sát việc thưởng hợp đồng…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia đầu tư và nhà thầu rất ủng hộ việc xây dựng cơ chế khuyến khích, động viên, khen thưởng nhà thầu làm tốt, đẩy nhanh tiến độ thi công, trước hết là tại các gói thầu xây dựng dự án giao thông trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và một số dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Khi Nghị định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý để xem xét thưởng cho những nhà thầu nỗ lực áp dụng các giải pháp thi công, ứng dụng công nghệ mới nhằm đẩy nhanh tiến độ, tạo hiệu quả cho công trình, cho đất nước.

Thông tin từ Ban soạn thảo Nghị định cho biết, pháp luật hiện hành có quy định về thưởng, phạt hợp đồng, nhưng không quy định chi phí thưởng hợp đồng được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng, hay nói cách khác là không có quy định về nguồn tiền thưởng hợp đồng. Do đó, cho đến nay, chưa có dự án sử dụng vốn đầu tư công nào được thưởng hợp đồng. Vì căn cứ pháp lý chưa rõ ràng, nên phía chủ đầu tư (đại diện cho Nhà nước) cũng không có thẩm quyền thỏa thuận việc sử dụng vốn nhà nước để thưởng cho nhà thầu, theo đó, chưa tạo ra động lực khuyến khích các nhà thầu chủ động, sáng tạo đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng thi công…

Dự thảo Nghị định do Bộ KH&ĐT xây dựng lần đầu tiên đưa ra phương pháp tính tiền thưởng dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm về thưởng hợp đồng của nhiều nước trên thế giới. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất tiền thưởng hợp đồng được sử dụng từ số tiền dư sau đấu thầu (bao gồm cả chỉ định thầu), chi phí tiết kiệm trong quá trình thực hiện gói thầu. Hai trường hợp sẽ được thưởng hợp đồng gồm: rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng và áp dụng các giải pháp, công nghệ mới, điều chỉnh biện pháp thi công mang lại hiệu quả cao hơn.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, khó khăn trong triển khai các công trình lớn ngành giao thông đến từ rất nhiều lý do, nên nhà thầu cần nhất là sự rạch ròi, phân minh trong cơ chế và tiêu chí đánh giá để thưởng/phạt hợp đồng.

Cũng theo nhà thầu, xưa nay, mỗi khi chậm tiến độ, nhà thầu đối diện với việc xử phạt chứ chưa được thưởng bao giờ. “Các tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch và công bằng sẽ tạo nguồn động viên rất lớn đối với đội ngũ nhà thầu nói chung, các nhà thầu đang tham gia thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành giao thông nói riêng. Không chỉ là động viên tinh thần, việc lượng hóa được số tiền thưởng có thể sẽ tạo động lực để các nhà thầu mạnh dạn đầu tư máy móc, chủ động, sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ công trình”, một nhà thầu cho biết.

Lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn Cienco4 thì nhận định, việc Chính phủ xây dựng nghị định về thưởng hợp đồng cho thấy sự trân trọng và cách đối xử công bằng, công tâm với các nhà thầu. Việc ban hành cơ chế này là rất cần thiết và đúng lúc khi nhiều dự án đầu tư công đang cần đẩy nhanh tiến độ. “Thực tế khi muốn đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu sẽ phải tăng ca, tăng máy móc, tăng chi phí… Công trình hoàn thành sớm sẽ mang lại lợi ích sớm và lớn hơn cho xã hội, nên việc thưởng cho nhà thầu có nỗ lực đẩy nhanh tiến độ là rất đáng làm và cần làm sớm”, ông nói.

Bước sang quý IV/2022, nhiều chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phải đẩy nhanh và rút ngắn tiến độ thực hiện 3 - 6 tháng so với hợp đồng, vì tính cần thiết, quan trọng của dự án. Cơ chế thưởng hợp đồng được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới và là giải pháp có tính đột phá để thúc đẩy nhà thầu bứt phá tiến độ thi công, góp phần hoàn thành các mục tiêu lớn của đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2025. Cơ chế mới cũng được kỳ vọng sẽ tạo môi trường cạnh tranh, thi đua trong lĩnh vực xây dựng nói chung (trước mắt là lĩnh vực giao thông), tạo điều kiện để các nhà thầu, đơn vị thi công mạnh tay đầu tư, áp dụng công nghệ mới.

Tuy nhiên, để cơ chế thưởng/phạt hợp đồng công tâm, công bằng và khả thi, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định, rất cần sự quan tâm, góp ý của nhiều chủ thể, nhất là các bộ, cơ quan, địa phương, nhà thầu… để mọi vướng mắc đều được nhìn nhận thấu đáo, góp sức xây dựng thành công cơ chế thưởng “đúng lúc, đúng công trình”.

Chuyên đề