Nhà đầu tư mong đợi gì từ sửa quy định liên quan PPP?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư tư nhân, nhưng các nhà đầu tư vẫn chờ đợi cơ chế chính sách về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tiếp tục tháo gỡ được những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Hai điểm chờ gỡ vướng lớn nhất là quy định về tạm ứng, thanh toán vốn nhà nước trong các dự án và một số thông số đầu vào trong phương án tài chính dự án PPP.
Nhà đầu tư mong muốn có các quy định để nguồn vốn nhà nước hỗ trợ hiệu quả hơn trong việc thực hiện dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Nhà đầu tư mong muốn có các quy định để nguồn vốn nhà nước hỗ trợ hiệu quả hơn trong việc thực hiện dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

Để vốn nhà nước thực sự hỗ trợ nhà đầu tư

Theo quy định của Luật PPP, vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được sử dụng để hỗ trợ thực hiện dự án trong giai đoạn xây dựng nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án.

Điều 76 Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật PPP (NĐ 35) quy định, trường hợp dự án PPP hình thành tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công, cơ quan ký kết hợp đồng thanh toán tối đa 50% giá trị dự toán của tiểu dự án khi doanh nghiệp dự án (DNDA) hoàn thành công trình thuộc tiểu dự án, thanh toán giá trị còn lại khi DNDA được xác nhận hoàn thành công trình.

Bên cạnh đó, Nghị định 28/2021/NĐ-CP về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP (NĐ 28) quy định, vốn nhà nước chỉ được thanh toán cho khối lượng hạng mục hoàn thành mà không được tạm ứng.

Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), thực tế nhà đầu tư bỏ ra chi phí vốn rất nhiều để hoàn thành tiểu dự án, nhưng chỉ được thanh toán 50%, khiến vốn nhà nước chưa thực sự hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện dự án. Ngoài ra, quy định không được tạm ứng dẫn đến nhà đầu tư không thể thực hiện tạm ứng cho nhà thầu đối với hạng mục công trình có vốn nhà nước hỗ trợ. Trong khi theo quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng, mức tạm ứng hợp đồng xây dựng từ 10 - 50% giá trị hợp đồng, như vậy nhà đầu tư phải thực hiện tạm ứng cho nhà thầu. VARSI kiến nghị vốn đầu tư công hỗ trợ dự án được thanh toán, tạm ứng theo tỷ lệ các nguồn vốn, giá trị, tiến độ, điều kiện được quy định tại hợp đồng dự án PPP…

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế của VCCI, vấn đề thanh toán cho tiểu dự án có vốn nhà nước được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Quan điểm nên là vốn nhà nước tham gia để thúc đẩy nhà đầu tư thực hiện tốt dự án, nếu thanh toán hết thì nhà đầu tư có nguồn lực để thực hiện dự án nhanh hơn.

Bên cạnh đó, chia sẻ từ góc nhìn của DN, đại diện VCCI cho biết, nhiều DN có nhu cầu giảm quy mô dự án PPP, đặc biệt là dự án giao thông để họ tham gia được dự án nhỏ tại địa phương. Vấn đề chuyển giao tài sản công trình dự án PPP sau khi hết hợp đồng cũng được nhiều DN quan tâm. “Đây là vấn đề cần có quy định vì trong thời gian tới sẽ phải tiếp nhận nhiều dự án khi hết thời hạn hợp đồng. Ngoài suy nghĩ về việc tiếp nhận, chuyển giao như thế nào, cần tính tới phương án xử lý trong trường hợp chậm tiếp nhận”, ông Đức nói.

Từ năm 2016 đến nay, các dự án BOT chưa được điều chỉnh tăng giá vé, dù hợp đồng quy định 3 năm điều chỉnh tăng 1 lần. Ảnh: Lê Tiên

Từ năm 2016 đến nay, các dự án BOT chưa được điều chỉnh tăng giá vé, dù hợp đồng quy định 3 năm điều chỉnh tăng 1 lần. Ảnh: Lê Tiên

Gỡ vướng thông số đầu vào lập phương án tài chính

Một trong những thông số quan trọng hàng đầu với dự án PPP giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là giá, phí sản phẩm. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Ban Pháp chế thuộc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, theo Luật PPP, giá, phí sản phẩm, dịch vụ công và điều kiện, thủ tục, điều chỉnh được quy định tại hợp đồng dự án PPP. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giá, việc xác định mức giá, phí còn phải dựa trên thực tế chủ trương chính sách phát triển tại từng thời kỳ. Điều này có thể dẫn đến trường hợp do chủ trương chính sách của Nhà nước mà không được điều chỉnh theo hợp đồng đã ký, dẫn đến ảnh hưởng phương án tài chính. Thực tế, từ năm 2016 đến nay, các dự án BOT chưa được điều chỉnh tăng giá vé, dù hợp đồng quy định 3 năm điều chỉnh tăng 1 lần.

Tổng hợp từ vướng mắc này của nhiều dự án, VARSI đề xuất Bộ Tài chính xây dựng cách thức xác định giá, phí sản phẩm cho toàn bộ thời gian vận hành khai thác tại thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đàm phán hợp đồng dự án. Xây dựng cơ chế bù đắp thiếu hụt nguồn thu cho nhà đầu tư khi cơ quan nhà nước không thực hiện điều chỉnh giá phí dịch vụ công theo mức giá đã quy định tại hợp đồng dự án.

VARSI cũng kiến nghị NĐ 28 có quy định điều chỉnh phương án tài chính khi các chính sách quản lý của Nhà nước làm thay đổi các thông số tính toán phương án tài chính ban đầu, như lãi suất và các yếu tố khách quan khác không do lỗi của nhà đầu tư, DNDA.

Về lãi suất vốn vay, nhiều DNDA ký hợp đồng dự án BOT trước thời điểm Thông tư 88/2018/TT-BTC có hiệu lực, phản ánh vướng mắc rất lớn về chênh lệch lãi suất huy động vốn vay thực tế và mức lãi suất được tính theo quy định. Các dự án này áp dụng theo Thông tư 166/2011/TT-BTC, Thông tư số 55/2016/TT-BTC, Thông tư 75/2017/TT-BTC. Chi phí lãi vay mà các doanh nghiệp BOT phải thanh toán cho ngân hàng tài trợ vốn có mức chênh lệch rất lớn so với quy định xác định mức lãi suất vốn vay hợp lý tại các thông tư này, trung bình khoảng 3 - 4%/năm, thậm chí có dự án lên đến 6%/năm. DNDA phải bù chênh lệch rất lớn. Đến Thông tư 88 và sau đó NĐ 28 đã không còn quy định về xác định mức lãi suất vốn vay, nhưng quy định chuyển tiếp tại Thông tư 88 và NĐ 28 không áp dụng đối với hợp đồng PPP ký trước ngày các văn bản này có hiệu lực. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều DNDA mong mỏi quy định chuyển tiếp tại NĐ 28 sẽ được sửa đổi, cho phép áp dụng quy định về lãi suất vốn vay tại NĐ 28 với các dự án ký hợp đồng trước khi Nghị định có hiệu lực để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang vận hành, tạo sự công bằng, bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án BOT.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư