Nhà đầu tư BT mòn mỏi trước gánh nặng nợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Chúng tôi đã huy động hết vốn liếng, vay ngân hàng đầu tư công trình BT, hy vọng sau khi hoàn thành sớm được thanh toán để thực hiện dự án hoàn vốn. Nhưng tiền đã bỏ, nhiều công trình BT đã đưa vào sử dụng, đất vẫn không được giao. Chúng tôi phải bán hết nhà cửa, vay mượn khắp nơi để trả lãi ngân hàng suốt mấy năm qua, mỗi năm mấy chục tỷ đồng tiền lãi… Tình hình này nếu còn kéo dài, nhất là trong bối cảnh lãi suất tăng cao như hiện nay, doanh nghiệp chắc chắn phá sản, vỡ nợ...”.
Nhiều dự án BT ký hợp đồng từ trước năm 2018 đã đầu tư hoàn thành công trình BT hoặc hoàn thành phần lớn, đến nay vẫn vướng thủ tục giao đất, thanh toán quỹ đất. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều dự án BT ký hợp đồng từ trước năm 2018 đã đầu tư hoàn thành công trình BT hoặc hoàn thành phần lớn, đến nay vẫn vướng thủ tục giao đất, thanh toán quỹ đất. Ảnh: Lê Tiên

Đó là tâm tư của nhiều nhà đầu tư dự án BT khi chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu thời gian gần đây, khi lãi suất ngân hàng tăng nhanh, tăng mạnh so với 1 - 2 năm trước.

Trong bài viết này, hầu hết tên tuổi của doanh nghiệp không được nêu đích danh, bởi như chia sẻ của nhiều nhà đầu tư: “Dù rất mong truyền thông lên tiếng để tháo gỡ vướng mắc, nhưng chúng tôi cũng còn phải lo phía địa phương, họ biết mình phản ánh, không giải quyết cho thì cũng chịu”.

Những dự án gặp vướng mắc đa phần ký hợp đồng từ trước năm 2018. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 có một số quy định thay đổi về chính sách quản lý, sử dụng tài sản công. Đến tháng 3/2018, Bộ Tài chính có Công văn số 3515/BTC-QLCS (CV3515) đề nghị tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành. Sau CV3515, nhiều địa phương gần như đã dừng việc thanh toán cho dự án BT dù hợp đồng đã ký kết, thậm chí đã thi công được phần lớn công trình BT trước ngày 1/1/2018. Ở thời điểm này, các hợp đồng dự án cũng dừng để rà soát lại theo Nghị quyết 160/NQ-CP ngày 28/1/2018 của Chính phủ. Ngày 15/8/2019, Nghị định số 69/2019/NĐ-CP (NĐ69) quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/10/2019. Dù vậy, theo phản ánh, việc thanh toán cho nhiều dự án BT đã ký kết hợp đồng vẫn còn nguyên vướng mắc trong giao đất, thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư theo quy định tại nghị định này.

Nhiều nhà đầu tư tại Khánh Hòa đang mắc cạn tại những dự án BT ký hợp đồng từ nhiều năm trước, công trình BT đã hoàn thành hoặc hoàn thành phần lớn nhưng đến nay vẫn chưa được giao đất theo hợp đồng đã ký. “Hết đợt rà soát này đến đợt rà soát khác, Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, có kết luận hơn một năm nay về một số dự án. Nhà đầu tư tự mình lặn lội báo cáo từ cơ quan này đến cơ quan khác, từ địa phương đến Trung ương, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng. Trong khi đó, mỗi ngày trôi qua với doanh nghiệp là gánh nợ thêm nặng, nguy cơ phá sản thêm gần”, một nhà đầu tư BT tại Khánh Hòa chia sẻ.

Một doanh nghiệp lớn tại Bắc Ninh có đầu tư dự án BT tại địa phương mình cho biết, một số dự án BT hoàn thành đã 2 - 3 năm, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa được bàn giao hết quỹ đất hoàn vốn; phần đất chưa giao hết theo tính toán của nhà đầu tư tương đương 100 tỷ đồng. Trong mấy năm qua, nhà đầu tư vẫn chịu lãi vay gần chục tỷ đồng mỗi năm. Hay một nhà đầu tư tại Sơn La cũng chia sẻ với Báo Đấu thầu những khó khăn chồng chất do đã bỏ vốn, vay vốn đầu tư công trình BT, bàn giao cho Nhà nước sử dụng hơn 2 năm, đến nay vẫn mòn mỏi chờ thanh toán.

Từ ngày 1/1/2021, hợp đồng BT đã dừng triển khai đầu tư mới theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng còn khá nhiều dự án BT chuyển tiếp. Việc triển khai dự án BT đã góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ công, bù đắp thiếu hụt của ngân sách nhà nước đầu tư cho hạ tầng. Thực tế, cũng có những dự án BT có tiêu cực, thất thoát đất đai. Thực hiện Nghị quyết 160/NQ-CP, nhiều địa phương đã rà soát lại thủ tục đầu tư các dự án.

Theo nhà đầu tư, sau khi rà soát xong thì phải có hướng xử lý dứt điểm, sai đâu xử lý đó, chứ không thể cứ để treo mãi. Việc hợp đồng không được tuân thủ cũng làm giảm sút niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, vào các dự án hạ tầng hợp tác với Nhà nước.

Bên cạnh nguyên nhân thay đổi pháp lý, một số nhà đầu tư chia sẻ, dự án được ký hợp đồng từ nhiều năm trước, giờ phải xác định quỹ đất thanh toán thế nào cho ngang giá, sát giá thị trường, với bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương không muốn xử lý, ngại trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý về sau.

Càng về cuối năm, áp lực nợ dồn lên các nhà đầu tư càng lớn. Theo đó, điều họ mong mỏi nhất là các cấp có thẩm quyền với trách nhiệm của mình, tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, cần nhanh chóng có biện pháp hiệu quả giải cứu cho các dự án BT còn vướng mắc giao đất. Nếu không được giao đất để thực hiện dự án đối ứng, nhà đầu tư không có cách nào để trả nợ, hoàn vốn, doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản vì gánh nặng nợ nần.

Chuyên đề