Bế tắc thanh toán dự án BT, nhà đầu tư cạn kiệt dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP NTF Hoàng Phát (trước đây là Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Phát) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Năm 2017, chúng tôi đã ký kết hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với UBND tỉnh Sơn La là để thực hiện Dự án Tạo mặt bằng khu trung tâm hành chính và quảng trường tỉnh Sơn La. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu hơn 66 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 120 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trung Hoàng, thành viên HĐQT Công ty CP NTF Hoàng Phát

Ông Nguyễn Trung Hoàng, thành viên HĐQT Công ty CP NTF Hoàng Phát

Đến thời điểm này, Dự án đã hoàn thành, được đưa vào sử dụng hơn 2 năm và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong khâu thanh toán dự án BT đã khiến nhà đầu tư rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, cạn kiệt dòng tiền.

Cụ thể, năm 2020, loại hợp đồng BT bị dừng áp dụng, trong khi dự án BT đã ký kết hợp đồng lại chưa có quy định của pháp luật cho phép điều chỉnh bỏ quỹ đất đã dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư trong hợp đồng; chưa có quy định rõ về nguồn vốn và quy trình, thủ tục thanh toán đối với từng nguồn vốn để thanh toán bằng tiền trong trường hợp giá trị quỹ đất nhỏ hơn giá trị hợp đồng BT.

Trong khi đó, để thực hiện Dự án, nhà đầu tư đã phải vay vốn ngân hàng. Vào thời điểm Dự án hoàn thành cũng là thời điểm Hợp đồng tín dụng cho Dự án với phía ngân hàng hết hiệu lực, nên ngân hàng yêu cầu nhà đầu tư phải thanh toán khoản nợ. Tuy nhiên, do Dự án hoàn thành nhưng chưa được Tỉnh thanh toán, buộc chúng tôi phải vay ngoài với lãi suất cao để trả cả gốc và lãi ngân hàng. Do khó khăn về dòng tiền nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty bị ngưng trệ, công nhân gần như không có công ăn việc làm.

Để tháo gỡ vướng mắc này, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh Sơn La thanh toán hợp đồng dự án BT theo đúng trách nhiệm của Nhà nước trong hợp đồng dự án BT. Tuy nhiên, do hợp đồng BT đã bị dừng áp dụng, nên các bộ, ngành liên quan cũng gặp khó khăn trong việc hướng dẫn thanh toán. Bản thân nhà đầu tư cũng đã “cầu cứu” nhiều nơi, nhiều cấp, song điều đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng.

Chúng tôi rất mong các cấp có thẩm quyền với trách nhiệm của mình cần nhanh chóng có biện pháp hiệu quả “giải cứu” cho doanh nghiệp, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, giúp chúng tôi tiếp tục trụ lại với thương trường.

Chuyên đề