Nghị trường nóng vì tình trạng đấu giá cao bỏ cọc, đầu cơ, thổi giá trong đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quốc hội vừa dành 1 ngày để nghe báo cáo của Đoàn Giám sát về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Nghị trường Quốc hội lại nóng lên câu chuyện trúng đấu giá cao, bỏ cọc, tình trạng đầu cơ, đẩy giá lên cao...
Câu chuyện đấu giá đất tại một số huyện ven đô của Hà Nội thời gian qua nóng hơn bao giờ hết (ảnh minh họa các lô đất đấu giá tại Hà Nội)
Câu chuyện đấu giá đất tại một số huyện ven đô của Hà Nội thời gian qua nóng hơn bao giờ hết (ảnh minh họa các lô đất đấu giá tại Hà Nội)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) mở đầu phiên thảo luận tại Hội trường với việc dẫn chứng câu chuyện đấu giá đất tại một số huyện ven đô của Hà Nội "nóng" hơn bao giờ hết. Một số phiên đấu giá được tổ chức xuyên đêm ghi nhận hàng trăm, thậm chí cả nghìn người chấp nhận "ăn chực nằm chờ" để đấu được xuất đất, giá trúng cũng cao kỷ lục. Giá đất ở huyện ven đô lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng.

Theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều dự án còn ách tắc; người dân, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn mà giá nhà lại tăng đột biến như thời gian vừa qua, nhất là tăng ở những khu vực không có dự án mới, là điều bất bình thường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, trên thực tế, có tình trạng một số hội nhóm đầu cơ, nhà đầu tư đã thực hiện việc thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi. Thủ đoạn của nhóm người này thường sử dụng là đẩy giá đất lên cao chót vót tại các phiên đấu giá đất, đến thời gian nộp tiền thì sẵn sàng bỏ cọc với mục đích thiết lập mặt bằng giá mới cho những mảnh đất trong khu vực mà họ đã mua gom trước đó và đã thu được siêu lợi nhuận.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) phân tích, tình trạng đấu giá tăng cao với thực trạng phần lớn người tham gia bỏ cọc, số thu thuế được từ những giao dịch này rất ít và gây ra hệ lụy rất nghiêm trọng khi đấu giá cao sẽ hình thành mặt bằng giá mới tại khu vực đấu giá, khu vực lân cận và mặt bằng giá chung.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), để ngăn chặn tình trạng bỏ giá cao bất thường rồi sau đó không mua khi trúng đấu giá thì không thể tăng tiền đặt trước, do sẽ hạn chế số người tham gia, mất đi tính cạnh tranh. Đại biểu này đề nghị quyết định bổ sung người tham gia đấu giá phải minh chứng được năng lực về tài chính, có thể mua được tài sản đó sau khi trúng đấu giá bằng việc xác nhận các khoản như tiền gửi ngân hàng hoặc các tài sản khác để minh chứng khả năng có thể huy động vốn và phải cam kết nếu như trúng đấu giá mà bỏ cọc sẽ bị xử lý. "Nếu có quy định như thế, những người có nhu cầu thật, sẽ không ngại gì trong việc minh chứng khả năng thanh toán của mình. Như vậy, sẽ loại bỏ được những người không có khả năng thanh toán, chỉ tham gia đấu giá để mua đi, bán lại, đặc biệt sẽ loại được những người bỏ giá cao rồi bỏ cọc", đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét.

Tranh luận với quan điểm trên, đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng, thực tế trong từng phiên đấu giá, không thể đánh giá kịp năng lực của người tham gia đấu giá. Đại biểu này dẫn chứng một phiên đấu giá mỏ cát tại Quảng Nam vừa qua có giá khởi điểm là 1,8 tỷ đồng, nhưng sau 200 vòng đấu, giá trúng đấu giá lên tới 375 tỷ đồng. Điều này dẫn đến sau đấu giá, giá cát lên tới 2,3 triệu đồng/m3. Nguy cơ bỏ cọc là chắc chắn, vì tiền đặt trước chỉ có 200 triệu trong khi mục tiêu của người đấu giá là muốn thắng bằng được, sau đó bỏ cọc để đạt ý đồ lũng đoạn và đưa giá lên cao, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) với kết quả có tới 56/68 lô đất trúng giá rất cao và người trúng đấu giá không thể nộp tiền, có dấu hiệu bỏ cọc. Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, đấu giá không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn và thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi, do đó cần phải nghiêm trị. Với phân tích như vậy, đại biểu này đề xuất, tăng tiền đặt trước theo từng vòng đấu, lũy tiến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc...

Trước ý kiến của các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát và nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ thổi giá, tạo mặt bằng giá cao làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Trong đó có việc lập công khai quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, nhà ở chưa được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch, tạo cơ hội để các đối tượng lợi dụng đầu cơ đất đai.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy lý giải, một số địa phương thiếu chủ động trong việc tạo quỹ đất để đấu giá đất, dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân khan hiếm và không đáp ứng đầy đủ trong thời gian dài. Bên cạnh đó, có trường hợp địa phương sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành chưa được điều chỉnh kịp thời, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế để làm giá khởi điểm dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương khi tổ chức đấu giá cần quan tâm công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm giá để tính giá khởi điểm.

Bộ trưởng khuyến nghị, trong quy chế đấu giá có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá và bổ sung quy định việc công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản, nhà ở, đất ở có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của đại đa số người dân có nhu cầu thực, khắc phục tình trạng mất cân đối cung, cầu trên thị trường bất động sản, bao gồm các sản phẩm đấu giá quyền sử dụng đất; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Chuyên đề