Ngành cảng biển được dự báo khả quan trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự phục hồi của hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như tại các quốc gia đối tác xuất khẩu của Việt Nam được cho sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của hoạt động thương mại trong năm 2022. Với kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2021 cộng với bệ đỡ từ các hoạt động thương mại, ngành cảng biển được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Năm 2022, dự báo sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 19% so với năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2022, dự báo sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 19% so với năm ngoái. Ảnh: Lê Tiên

Công ty CP Cảng Cam Ranh vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu đạt 31,7 tỷ đồng, tăng trưởng 3,2% so với quý IV/2020. Trừ đi các khoản chi phí, Cảng Cam Ranh lãi sau thuế 5,8 tỷ đồng, tăng 5,5%. Cùng với kết quả kinh doanh khả quan những quý đầu năm, Cảng Cam Ranh ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng gần 41% và 77%, lần lượt đạt 195 tỷ đồng và hơn 42 tỷ đồng.

Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực là Công ty CP Cảng Cần Thơ với doanh thu quý cuối năm 2021 đạt 30,6 tỷ đồng, tăng 7,7% và lợi nhuận sau thuế thu về gấp 4,5 lần cùng kỳ năm 2020. Lũy kế cả năm 2021, Cảng Cần Thơ ghi nhận doanh thu đạt 122 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2,6 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm 2020.

Một số doanh nghiệp cảng lớn chưa công bố kết quả kinh doanh chính thức nhưng tại hội nghị triển khai công tác năm 2022 vào ngày 11/1 vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết cảng biển là lĩnh vực kinh doanh chủ lực, đóng góp lớn vào lợi nhuận kỷ lục 3.750 tỷ đồng của VIMC (khoảng 65% lợi nhuận, tương ứng hơn 2.400 tỷ đồng). Một số doanh nghiệp có mức lợi nhuận cao như Cảng Sài Gòn đạt 852 tỷ đồng (vượt hơn 214% so với kế hoạch 2021), Cảng Hải Phòng đạt hơn 732 tỷ đồng (vượt 9% so với kế hoạch), Cảng Quy Nhơn lãi 420 tỷ đồng (vượt hơn 162% so với kế hoạch)…

Theo báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt, sản lượng hàng container ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm qua dù vẫn chịu áp lực không nhỏ từ tình trạng thiếu container. Tuy vậy từ quý III/2021, đà tăng trưởng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt tại các cảng phía Nam do đợt bùng phát dịch lần thứ 4 và các biện pháp giãn cách xã hội ở mức độ cao. Trong giai đoạn quý IV/2021 đến đầu quý I/2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn chịu áp lực nhất định do đã qua giai đoạn cao điểm vận tải hàng hóa đường biển và quá trình tái cơ cấu lại lực lượng lao động, ổn định lại sản xuất của các doanh nghiệp cũng cần một khoảng thời gian nhất định.

Năm 2022, VCBS dự báo sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực và đạt 840 triệu tấn (tăng trưởng 19% so với năm ngoái) nhờ độ phủ vaccine rộng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa được khôi phục và nhiều khả năng sẽ không có thêm một đợt phong tỏa quy mô lớn trong năm 2022 dù sự lây nhiễm của dịch bệnh có thể chưa hoàn toàn chấm dứt. Ngoài ra, giá cước vận tải hàng hải giảm mang đến động lực lớn cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2022, đặc biệt các nhóm hàng thủy sản, nông sản, sản phẩm gỗ.

Đồng quan điểm, Công ty CP Chứng khoán SSI kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 khoảng 10 - 20% do hoạt động sản xuất phục hồi. Trong đó, các cảng biển nước sâu còn dư công suất nên có thể tăng trưởng cao hơn.

SSI cũng nhấn mạnh việc tăng giá dịch vụ cảng biển sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực nếu được thông qua. “Việc tăng giá 10% có thể sẽ được thực hiện trong năm 2022 nếu tình hình dịch Covid-19 được cải thiện,” SSI dự báo.

Chuyên đề