6 tháng đầu năm 2021, khối lượng hàng container thông qua cảng biển tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng cao nhất trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Lê Tiên |
Dù đang chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, song hàng container qua cảng biển Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng qua. Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 364,3 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt 91,4 triệu tấn, tăng 9%; hàng nhập khẩu đạt 114,2 triệu tấn, tăng 3%; hàng nội địa đạt 157,6 triệu tấn, tăng 8% và hàng quá cảnh bốc dỡ đạt hơn 1 triệu tấn.
Đáng chú ý, khối lượng hàng container thông qua cảng tăng trưởng cao nhất trong vài năm trở lại đây với hơn 12,7 triệu TEU, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng container xuất khẩu đạt 4,1 triệu TEU, tăng 23%; hàng container nhập khẩu đạt hơn 4,1 triệu TEU, tăng 27% và hàng container nội địa đạt 4,4 triệu TEU, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2020.
Giới chuyên gia nhận định, hai hiệp định thương mại tự do có tác động lớn tới khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu và khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng mạnh, nhiều doanh nghiệp khai thác cảng biển ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II/2021 và 6 tháng đầu năm. Trong đó, một số doanh nghiệp lãi lớn như Công ty CP Cảng Đồng Nai, Công ty CP Cảng Cam Ranh.
Cảng Đồng Nai cho biết, việc tạm dừng thu phí tại trạm thu phí cầu Đồng Nai đã tạo thêm lợi thế cạnh tranh khai thác hàng container khu vực TP.HCM và Bình Dương trong bối cảnh việc trao đổi thương mại của Việt Nam với các quốc gia EU có nhiều tín hiệu khả quan. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng, trong đó có các ca nhiễm tại cảng Cát Lái, cảng container quốc tế SP-ITC, các cảng cạn ICD trên địa bàn TP.HCM, cảng Bình Dương đồng loạt hạn chế thời gian hạ container hàng sớm, nên một số khách hàng chuyển sang hạ container tại cảng Đồng Nai, làm cho sản lượng hàng container tăng 76,88%. Ngoài ra, việc thiếu hụt container rỗng khiến một số khách hàng chuyển sang đi tàu rời làm tăng nhu cầu khai thác hàng tổng hợp (tôn cuộn xuất khẩu, gỗ ván ép…)… Nhờ đó, doanh thu quý II/2021 của Công ty tăng tới 47,37% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 257,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế ở mức 53,3 tỷ đồng, tăng 45%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng của Công ty đạt 91,7 tỷ đồng, tăng 34,8% so với nửa đầu năm 2020.
Đối với Công ty CP Cảng Cam Ranh, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II/2021 lần lượt đạt 57,4 tỷ đồng và gần 14 tỷ đồng, tăng tương ứng 118% và 250% so với quý II/2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Cảng Cam Ranh lãi ròng 23,8 tỷ đồng, gấp 2,2 lần con số thực hiện 6 tháng đầu năm 2020.
Nhờ lượng hàng thông qua cảng khu vực Hải Phòng tăng 15,6% so với nửa đầu năm 2020, Công ty CP Đầu tư và Phát triển cảng Đình Vũ ghi nhận 166,3 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2021, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do không còn khoản doanh thu tài chính đột biến như quý II/2020 (48,5 tỷ đồng) nên lợi nhuận sau thuế của Công ty giảm từ mức 95,4 tỷ đồng (quý II/2020) xuống còn 81,2 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Công ty lần lượt đạt 298,5 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái) và gần 133 tỷ đồng (giảm 4,5%).
Các doanh nghiệp khác như Công ty CP Cảng Đà Nẵng ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2021 và 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 62,3 tỷ đồng (tăng 9,5%) và 122,6 tỷ đồng (tăng 8,5%); Công ty CP Cảng Đoạn Xá lãi ròng 11,6 tỷ đồng trong quý II/2021 và 19,2 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Theo các chuyên gia, ngoài hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, ngành cảng biển sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, cảng nước sâu sẽ là điểm nhấn trong xu hướng phát triển của ngành.