Công trình Ngã ba Huế do SHB tài trợ đã khánh thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng |
Một mặt tăng dư nợ, mặt khác SHB có thêm các nguồn thu và đặc biệt góp phần xây dựng các công trình trọng điểm phát triển đất nước theo chủ trương của Chính phủ. Làm thế nào SHB có thể thực hiện được điều này?
Tích cực giải ngân
Kể từ năm 2013 đến năm 2015, SHB nổi lên là ngân hàng tích cực cho vay các dự án hạ tầng giao thông. Trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 26/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, SHB đã nghiên cứu các dự án và thực hiện cho vay xây dựng các dự án này.
Ngày 18/5/2013, tại Thừa Thiên Huế, SHB đã ký kết tài trợ vốn mở rộng Quốc lộ 1 (QL1) tại Thừa Thiên - Huế, đoạn từ Km791A+500 -Km848+8 theo hình thức BOT với tổng giá trị 1.833 tỷ đồng. Đây là công trình hạ tầng giao thông đầu tiên SHB tài trợ vốn theo chủ trương xã hội hóa đầu tư của Chính phủ. Sau đó một tháng, ngày 8/6/2013, tại TP. Cam Ranh, Khánh Hòa, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Khánh Hòa, SHB và CTCP Đầu tư Xây dựng 194 đã khởi công Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Km1488 - Km1525 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BOT với tổng số tiền 2.354 tỷ đồng. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 194 làm chủ đầu tư, SHB tài trợ tín dụng. Đến tháng 9/2013 tại Đồng Nai, SHB đã bắt tay “ông lớn” Vietinbank ký kết tài trợ vốn xây dựng cầu Đồng Nai. Đây là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Đồng Nai gồm các hạng mục chính như: Nút giao Tân Vạn, cầu Đồng Nai mới, nút giao ngã tư Vũng Tàu, cầu Đồng Nai cũ, nâng cấp đoạn đường gom kết nối vào hệ thống tuyến đường trong khu vực với tổng mức đầu tư trên 1.648 tỷ đồng.
Một công trình tạo điểm nhấn của Đà Nẵng là Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức tại Ngã Ba Huế - Đà Nẵng. Ngày 28/9/2013, tại Đà Nẵng SHB đã chính thức ký kết thỏa thuận tài trợ tín dụng 2.000 tỷ đồng cho dự án này với chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Trung Nam. Xây dựng nút giao thông khác mức có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc giải quyết triệt để ùn tắc giao thông tại vị trí ngã ba Huế; đáp ứng quy hoạch vùng, miền nói chung và giao thông Đà Nẵng nói riêng. Công trình đã khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng TP.Đà Nẵng.
Ngày 6/7/2014 tại Bắc Ninh, SHB đã ký kết tài trợ tín dụng cho Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương với tổng mức tín dụng trên 1.300 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 28,6km, khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh nói riêng và vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Dự án do Công ty CP BOT 38 làm chủ đầu tư.
Tiềm lực tài chính mạnh là lợi thế của SHB
Ngoài giao thông, SHB còn tham gia tài trợ vốn cho nhiều công trình trọng điểm khác. Trong năm 2013, SHB đã ký kết tài trợ Dự án Nhà máy thủy điện Đắc Sin 1 huyện Đắc Rlấp, tỉnh Đắc Nông với khoản vay 584 tỷ đồng, bằng 70% vốn đầu tư của Dự án Thủy điện Đắc Sin 1 (công suất 28,4MW, sản lượng 105,61 triệu KWh/năm). Nhà máy Thủy điện Đăk Sin 1 do Công ty CP VRG Đăk Nông (thành viên Tập đoàn Công nghiệp Cao su) làm chủ đầu tư. Dự án gồm 2 tổ máy với công suất 14,2MW/tổ máy, dự kiến cung cấp lên lưới điện quốc gia sản lượng điện trung bình hàng năm khoảng 105,61 triệu Kwh.
Lợi thế từ nguồn vốn lớn
Kể từ thời điểm nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) năm 2012, SHB đã tăng trưởng vượt bậc về mọi mặt: quy mô vốn điều lệ, tổng tài sản, nhân sự, mạng lưới kinh doanh, huy động vốn, phát triển khách hàng v.v... Nguồn vốn huy động của SHB rất dồi dào do mạng lưới kinh doanh được mở rộng nên đủ tiềm lực tài trợ cho các dự án BOT, BT thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông. Mặt khác trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, tăng trưởng tín dụng còn hạn chế, việc tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng quy mô lớn cũng là một giải pháp giúp SHB tăng trưởng tín dụng, tài sản thế chấp được đảm bảo bằng quyền thu phí khai thác công trình và Chính phủ bảo lãnh. Bên cạnh đó, khi tài trợ vốn cho các chủ đầu tư là những doanh nghiệp lớn, SHB còn triển khai rất nhiều dịch vụ của ngân hàng với các đối tác đầu tư dự án. Do vậy sẽ mang lại nguồn doanh thu đa dạng cho Ngân hàng. Hợp tác với các đối tác lớn triển khai dự án quy mô cũng nâng tầm vóc, thương hiệu ngân hàng.
Theo ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB, những dự án hạ tầng giao thông lớn thường có thời gian thi công dài và thu hồi vốn chậm. Do đó SHB đã phải tính toán, nghiên cứu, thẩm định rất kỹ càng việc tham gia tài trợ vốn cho các dự án hiệu quả. Theo đó, SHB đã lựa chọn các dự án mà chủ đầu tư có năng lực tài chính và năng lực chuyên môn tốt, lựa chọn các tuyến đường huyết mạch quan trọng của Quốc gia, có lưu lượng phương tiện qua lại lớn, lâu dài và có tầm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế vùng; hiệu quả thu hồi vốn an toàn. Bên cạnh đó là cân đối hợp lý giữa nguồn vốn huy động dài hạn để tài trợ các dự án này.