Ngân hàng thắt chặt tín dụng, chuyên gia khuyên doanh nghiệp BĐS điều gì?

Trong các lĩnh vực đầu tư, BĐS luôn “ngốn” nhiều vốn từ các ngân hàng thương mại, trong khi vốn chủ sở hữu quá ít. Như vậy, một khi hệ thống ngân hàng “nhất cử nhất động” với các giải pháp giảm nợ xấu, lĩnh vực BĐS sẽ bị tác động rất lớn, nếu như không muốn nói là tình trạng “đóng băng” có khả năng quay trở lại.
Ngân hàng thắt chặt tín dụng, chuyên gia khuyên doanh nghiệp BĐS điều gì?

Tóm tắt

Cơ hội thị trường BĐS trong năm nay luôn có do nhu cầu nhà ở cao, nhưng đi kèm với đó là vô vàn thách thức, mà lớn nhất là từ các ngân hàng nếu họ siết van tín dụng vào BĐS.

Có 3 khả năng có thể xảy ra đối với tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được thay đổi so với các năm trước; lãi suất cho vay có khả năng tăng; và cuối cùng là thời hạn cho vay đầu tư và mua nhà sẽ thu hẹp lại.


Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Đinh Thế Hiển, các thống kê cho thấy nguồn vốn đầu tư vào BĐS từ hệ thống NHTM chiếm đến 80%; trong khi các nước phát triển chỉ vào khoảng 40 - 50%, phần còn lại từ các quỹ tín thác BĐS và các tổ chức tài chính với nguồn vốn dài hạn khác. 

“Tính từ năm 2013 - 2015 vốn từ các NHTM đổ vào BĐS cứ tăng dần, gần điểm "tới hạn" về nguồn vốn cho vay trung hạn của NHTM. Do vậy NHNN ban hành các thông tư, biện pháp để hãm dòng vốn cho vay BĐS lại là cần thiết và kịp thời để đảm bảo an toàn cho hệ thống”, TS. Hiển cho biết.

Nhận định về những khó khăn trước mắt đối với doanh nghiệp địa ốc trong năm nay, một chuyên gia kinh tế khác cho rằng dù NHNN không siết tín dụng thì nhiều khả năng các NHTM cũng khó còn vốn cho vay mạnh như năm 2015. Từ đó, thị trường BĐS cũng sẽ tự hạ nhiệt trong năm 2016.

Trao đổi với chúng tôi sáng 16/2, ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc bộ phận Đầu tư thuộc công ty TNHH Savills Việt Nam – cũng cho rằng cơ hội thị trường BĐS trong năm nay luôn có do nhu cầu nhà ở cao, nhưng đi kèm với đáo là vô vàn thách thức, mà lớn nhất là từ các ngân hàng nếu họ siết van tín dụng vào BĐS. Theo đó, có 3 khả năng có thể xảy ra với động thái này. Đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được thay đổi so với các năm trước; lãi suất cho vay có khả năng tăng; và cuối cùng là thời hạn cho vay đầu tư và mua nhà sẽ thu hẹp lại.

Cùng chung ý kiến trên, một chuyên gia kinh tế khác nhận định rằng một khi cung tiền từ phía ngân hàng vào thị trường BĐS quá lớn, mọi người lao vào vay mua nhà để đầu cơ. Tuy nhiên, thời điểm này khác với giai đoạn khủng hoảng vì các ngân hàng không muốn lao vào “vết xe đổ” trước đây chứ không phải do cung tiền trong năm nay cạn kiệt, vì vậy họ thận trọng hơn cho các đối tượng vay tiền đầu tư trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo ra một thị trường đông người bán hơn người mua.

Khi được hỏi vậy doanh nghiệp địa ốc phải làm thế nào để thoát ra khỏi sự phụ thuộc quá lớn vào vốn vay ngân hàng, ông Khương cho rằng trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ “dựng” nên những hàng rào để bảo đảm nguồn tín dụng và bảo vệ người mua nhà. Trong bối cảnh này, nếu doanh nghiệp không cân đối được đòn bẫy tài chính đủ tốt thì sẽ vô cùng khó khăn. Một giải pháp tốt nhất mà các nhà đầu tư cần nghĩ đến là phải biết chấp nhận chia sẻ lợi nhuận bằng các hình thức liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có thế mạnh tài chính khác.

Theo tôi, nhằm chia sẻ rủi ro một khi các NHTM siết chặt dòng tín dụng, giúp doanh nghiệp địa ốc đẩy dòng tiền lưu thông tốt trên thị trường thì chỉ còn cách bắt tay với các đối tác khác. Trên thế giới, chiến lượt vượt qua khó khăn tài chính là các doanh nghiệp cùng liên doanh – liên kết, chia sẻ quyền lợi, hệ thống phân phối chứ không theo kiểu “một mình một chợ” như chúng ta. Khi đứng một mình như thế và sử dụng đòn bẫy tài chính không đúng, một khi nguồn vốn bị tắt thì mọi khó khăn dồn hết vào họ”, ông Khương nói thêm.

Theo vị này, vài năm trở lại đây nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia ngày một nhiều vào thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ tham gia này chỉ ở cấp độ công ty, có nghĩa là họ tham gia mua cổ phần của các công ty đã hoặc chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán bởi tính thanh khoản rất cao và hết sức minh bạch. Còn ở cấp độ dự án, họ cũng tham gia nhưng với mức độ thận trọng hơn vì còn liên quan nhiều đến vấn đề thủ tục pháp lý như M&A, chuyển nhượng, đền bù giải phóng mặt bằng...

Chuyên đề