Nga bị cấm vận, doanh nghiệp lo không thu được tiền

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Nga bị các nước phương Tây và Hoa Kỳ cấm vận từ vận tải biển đến hàng không và tài chính đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản sang Nga. Nhiều doanh nghiệp lo không thu được tiền, có doanh nghiệp tính đến phương án ngưng giao dịch.
Ảnh minh họa: Interent
Ảnh minh họa: Interent

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra đi Nga, sau khi các nước phương Tây đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt tài chính nhắm vào Nga và loại một số ngân hàng nước này khỏi mạng lưới SWIFT toàn cầu, thì đồng Ruble đã giảm gần 30%, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay so với đồng USD, với mốc gần 95 Ruble đổi 1 USD trong ngày 1/3.

Đồng Ruble mất giá mạnh nên nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng cộng với tình hình thanh toán qua các ngân hàng của các doanh nghiệp gần như tê liệt.

Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tạm ngưng ký các đơn hàng cá tra xuất khẩu đi Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu nước này vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác mà không bị gián đoạn.

Hơn nữa do khan hiếm nguồn cung nên hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên mức 32.000 đồng/kg, khiến doanh nghiệp không thể mua được nguyên liệu do giá tăng mạnh.

Theo ông Dương nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), qua trao đổi giữa Hiệp hội với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, việc Nga bị cấm vận từ trên không, trên biển và thanh toán tài chính đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của họ, nhất là đối với doanh nghiệp đã giao hàng xong, và không chỉ tại thị trường Nga mà còn ảnh hưởng đến các thị trường lận cận khác.

Ngoài ra, hiện có một số doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác Nga nhưng họ chưa thanh toán hoặc thanh toán chưa xong, khiến doanh nghiệp Việt Nam rất lo lắng vì chưa biết tình hình sẽ giải quyết ra sao.

“Các doanh nghiệp đã trao đổi và kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tìm giải pháp thanh toán phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho họ; tuy nhiên, lựa chọn hình thức thanh toán nào thì vẫn chưa rõ”, Chủ tịch VINAPA cho biết.

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch VINAPA, khi thị trường Nga bị thế giới cấm vận, xuất khẩu cá tra sẽ có cơ hội. Nga là nước sản xuất và xuất khẩu cá minh thái lớn trên thế giới, việc bị châu Âu và Mỹ cấm vận sẽ tạo cơ hội cho cá tra nâng giá trị và sản lượng xuất khẩu, khi đó cá tra Việt Nam sẽ chiếm thị phần của cá minh thái Nga trên thị trường thế giới.

Ông Trần Văn Phẩm - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) cho biết, giá trị xuất khẩu tôm sang thị trường Nga mỗi năm không lớn, chỉ vài chục triệu USD. "Khi Nga bị ngắt hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trên thực tế Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu hảo vì vậy nếu Chính phủ Nga tạo điều kiện thì vẫn có thể thanh toán được. Mọi việc đều có thể giải quyết được với điều kiện đối tác Nga không nhân cơ hội này mà gây khó khăn thêm cho khâu thanh toán", ông Phẩm chia sẻ.

Theo ông Tạ Quang Huyên - Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Tổng giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1, năm 2021, xuất khẩu điều sang Nga đạt 60,359 triệu USD - đây là con số không quá lớn. Ông Huyên cũng cho rằng, với việc Nga bị cấm vận, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường này sẽ bị ảnh hưởng và có thể bị mất thị phần.

"Riêng với Hoàng Sơn 1, các đối tác Nga vẫn còn nợ tiền container hàng trong năm cũ đến nay. Tuy nhiên, do tình hình lương thực, thực phẩm tại Nga đang rất khan hiếm, nên đối tác vẫn thúc giục giao hàng. Công ty đã yêu cầu đối tác thanh toán khoản nợ năm 2021 rồi mới giao tiếp hợp đồng của năm 2022, nếu không sẽ cho hủy các hợp đồng”, ông Huyên chia sẻ.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm lý các doanh nghiệp đang giao dịch với thị trường này, do việc chuyển và rút tiền giữa họ và đối tác Nga gặp khó khăn.

"Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Nga phải đối mặt với vấn đề nan giải chưa từng có tiền lệ, và giờ họ đang loay hoay tìm giải pháp thanh toán thay thế. Bên cạnh đó, dựa trên quy mô và đặc thù của từng doanh nghiệp, họ sẽ bàn bạc với đối tác Nga chọn phương thức thanh toán có thể chấp nhận được, và trong điều kiện thị trường mở như hiện nay, có thể họ sẽ tìm kiếm được giải pháp. Tuy nhiên, doanh nghiệp hai bên cần có thời gian để xác lập kênh thanh toán thay thế hoặc tìm phương thức thanh toán nào đó phù hợp", ông Hòe nhận xét.

Chuyên đề