Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến với chủ đề: "Nền kinh tế Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 như thế nào?" |
Buổi Hội thảo thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu, đặc biệt có sự tham gia của 2 địa phương là tỉnh Vĩnh Phúc và TP.HCM - 2 trong số địa phương của Việt Nam đã và đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, là các trường hợp điển hình trong việc phòng chống dịch bệnh tích cực tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, Việt Nam đang trải qua đợt dịch thứ 4 với những diễn biến khá phức tạp. Chính phủ đang triển khai quyết tâm và đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ trong việc phòng chống dịch theo phương châm kết hợp “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân là ưu tiên, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Các địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý khu công nghiệp và nhà đầu tư để thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nhà máy, xí nghiệp được kiểm soát tốt. Các công nhân trong khu công nghiệp được cách ly tại nơi làm việc hoặc được đưa đón an toàn nhằm đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm ngoài cộng đồng vào khu công nghiệp, nhà máy”, ông Phú cho biết.
Thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19, ông Hoàng Văn Ngọc, đại diện Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện nay, Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch, như giãn cách xã hội diện rộng tại 19 tỉnh khu vực phía Nam, TP. Hà Nội và một số đơn vị hành chính của một số địa phương khác để giảm sự lây lan của dịch. Các biện pháp y tế đang được triển khai nhanh, rộng khắp, trong đó có việc truy vết xác định nguồn lây để khoanh vùng cách ly, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng.
“Việt Nam tiếp tục các chiến dịch lớn chưa từng có để tiêm vắc xin cho người dân. Đến ngày 2/8, Việt Nam đã tiêm được 6.959.197 liều, trong đó ưu tiên các đối tượng là tuyến đầu, vùng có dịch với phương trâm tiêm đến đâu an toàn đến đó”, ông Ngọc thông tin và cho biết số lượng vắc xin mà Việt Nam sẽ được nhận trong thời gian tới tiếp tục tăng nhanh.
Tại Hội thảo, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao công tác chống dịch của Việt Nam và cho rằng công tác này đang đi đúng hướng. Trên cơ sở đó, đại diện WHO khuyến nghị các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thực hiện duy trì hệ thống sản xuất an toàn trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định của chính quyền Trung ương, Bộ Y tế và các địa phương.
Với hàng loạt các biện pháp chống dịch phòng, chống dịch Covid-19 đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh, ông Lee Jong Seob, Chủ tịch KOTRA khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội bày tỏ hy vọng hoạt động kinh tế hồi phục, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày sớm trở về bình thường thông qua việc tiêm chủng nhanh chóng và kiểm soát lây nhiễm một cách triệt để.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp thực hiện phòng, chống dịch của Vĩnh Phúc và TP.HCM nhằm sớm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.