Năm 2021: Nỗ lực lớn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách như thời gian vừa qua. Trong một bối cảnh đặc biệt, những kết quả phát triển kinh tế dù còn nhiều chỉ tiêu thấp hơn mục tiêu nhưng được đánh giá là nỗ lực rất lớn.
Năm 2022 sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Ảnh Internet
Năm 2022 sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Ảnh Internet

Cơ bản bảo đảm các cân đối lớn

Ngày 20/10/2021, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 2. Như thường lệ tại kỳ họp cuối năm, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trước thềm Kỳ họp thứ 2, Chính phủ đánh giá năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta đã chuẩn bị tốt nhất để bảo đảm an ninh, an toàn, hiệu quả và tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn của đất nước. Mặc dù đây là lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 628 tỷ USD, tương đương 172% GDP. Nợ công khoảng 44 - 45% GDP. Tiếp tục có thặng dư cán cân thanh toán quốc tế, dự kiến năm 2021 sẽ là 9 tỷ USD. Dòng vốn FDI thực hiện 9 tháng vẫn ở mức cao 13,28 tỷ USD (dự kiến cả năm đạt 19 - 20 tỷ USD). Mặt bằng lãi suất ngân hàng giảm (đến nay đã giảm 1,55% so với trước khi có dịch). Lạm phát được kiểm soát. Thu NSNN ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán. Công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò quan trọng; an ninh năng lượng được bảo đảm. Khởi công một số công trình, dự án đường bộ cao tốc; đẩy mạnh triển khai nhiều dự án kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia. Trong 9 tháng đầu năm, có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 32,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động...

Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, làm tăng trưởng quý III giảm 6,17%, kéo tốc độ tăng trưởng 9 tháng GDP chỉ đạt 1,42%. Chính phủ dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra, gồm: Tốc độ tăng trưởng GDP (ước 3 - 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%); GDP bình quân đầu người (3.660 - 3.680 USD so với mục tiêu khoảng 3.700 USD); tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng (ước 32% so với mục tiêu khoảng 44 - 47%); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (ước khoảng 0,5 - 1 điểm phần trăm so với mục tiêu 1 - 1,5 điểm phần trăm).

Về tăng trưởng GDP ước đạt 3 - 3,5%, theo nhiều ý kiến là con số tốt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, kéo dài trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến 23 địa phương phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn, vùng động lực của cả nước (đóng góp trên 60% GDP và trên 63% thu NSNN hàng năm). Đồng thời, còn có các yếu tố đến từ bên ngoài như: chuỗi cung ứng quốc tế bị gián đoạn, đứt gãy; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý và lao động chất lượng cao, nhà thầu nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư, đầu tư công bị gián đoạn. Dòng vốn FDI toàn cầu phục hồi chậm đã tác động, ảnh hưởng đến tình hình và triển vọng thu hút FDI...

UBTVQH cũng đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được, nhất là trong 6 tháng đầu năm. UBTVQH ghi nhận trong bối cảnh khó khăn, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn tăng trưởng dương, khẳng định vai trò bệ đỡ cho tăng trưởng. Một số ngành đã tận dụng được cơ hội để tăng trưởng như thông tin, viễn thông, tài chính, ngân hàng, chế tạo, chế biến liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế.

Tranh thủ cơ hội phục hồi

Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, năm 2021 là năm đầu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2025 và chiến lược 2021 - 2030. Năm nay, có thể tăng trưởng chỉ 3%, không đạt mục tiêu. Nếu giữ mục tiêu tăng trưởng trung bình 6,5 - 7% của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 thì tăng trưởng trung bình hàng năm từ 2022 - 2025 phải khoảng 7,5%.

Năm 2022 sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Nhiều chuyên gia nhận định, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Kinh nghiệm và khả năng ứng phó dịch bệnh được nâng lên nhưng dịch kéo dài đã bào mòn sức chống chịu và nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc hoàn thành bao phủ vaccine cuối năm 2021 hoặc chậm nhất vào đầu năm 2022 là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chậm phục hồi, tăng trưởng thấp nếu không sớm kiểm soát được dịch bệnh; trong khi đó thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ thường trực.

Tại Họp báo giới thiệu về chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 19/10, ông Vũ Minh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Chính phủ đưa ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong năm 2022, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%... Chính phủ cũng đề xuất 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả để sớm mở cửa trở lại, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kịnh tế - xã hội; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Theo ông Vũ Minh Tuấn, cho ý kiến tại phiên họp thứ 4, UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như Chính phủ trình và đề nghị tập trung một số nội dung: Thực hiện chuyển đổi sang mô hình thích ứng an toàn với dịch bệnh; Xây dựng phương án, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương; Bảo đảm đủ nguồn cung vắc xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách “kiểm soát chặt chẽ, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát”, rà soát dự toán 2022, sắp xếp các nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối với nguồn lực; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, công trình. UBTVQH cũng yêu cầu Chính phủ bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng phương án đón khách du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát...

Chuyên đề