Nếu có giải pháp tốt sẽ giữ được đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất nặng nề, khó khăn, song hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tin tưởng, Việt Nam sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thành công “mục tiêu kép”.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Ảnh: Tiên Giang
Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Ảnh: Tiên Giang

Kiểm soát dịch, ổn định kinh tế vĩ mô

Trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng cuối năm 2021 trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, bất chấp khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta vẫn đạt kết quả tích cực. Tuy vậy, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số ngành kinh tế và đời sống một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn…

Các dự báo thời gian tới cũng cho thấy, bối cảnh quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Nguy cơ dịch lan rộng ở nhiều địa phương có thể làm đứt gãy chuỗi sản xuất và xuất khẩu. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phát triển KTXH.

“Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại TP.HCM và một số tỉnh đang bùng phát mạnh”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng…

Đánh giá về bức tranh kinh tế nửa đầu năm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, GDP 6 tháng năm nay dù không cao so với mục tiêu, tuy nhiên tăng trưởng kinh tế vẫn trên đà đi lên. Theo đó, trong những tháng còn lại của năm, nếu có biện pháp khống chế tốt, không để dịch lây lan hơn nữa thì chúng ta sẽ giữ được đà tăng trưởng. “Tôi đồng tình với Chính phủ tập trung cao độ vào phòng chống và kiểm soát dịch, thực hiện mục tiêu kép”, ông Cường nói.

“Cứu” doanh nghiệp như cứu người bệnh

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, trong nửa đầu năm nay, “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi đại dịch khi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực dịch vụ, du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Số DN rút khỏi thị trường có xu hướng tăng lên. Tỷ lệ người thất nghiệp, thiếu việc làm và tình trạng thiếu lao động cục bộ gia tăng. Giá một số hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí vận tải tăng cao.

Trước thực trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ cần thực hiện phương châm “cứu DN như cứu người bệnh” để sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19.

Theo đó, Chính phủ cần triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động. Phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho DN…

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, cần có giải pháp hỗ trợ cho DN, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng, tác động bởi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Chính phủ cần đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN phát triển. “Thể chế ở đây rất rộng, bao gồm hệ thống các chủ trương, quy định của pháp luật, chính sách, những quy tắc quy định để tổ chức quản lý, điều hành sản xuất, lưu thông, đầu tư, thương mại…”, ông Phương đề xuất.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Chính phủ cần có những giải pháp mạnh hơn. DN cần hỗ trợ, nhưng không phải theo kiểu “hà hơi thổi ngạt” mà phải là những gói hỗ trợ tạo sự bứt phá cho DN. Theo ông Cường, nếu có được nguồn lực tốt thì các DN Việt Nam có thể đầu tư dây chuyền, công nghệ, làm ra sản phẩm thay thế các chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy trên thế giới.

Ông Cường gợi ý, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc sử dụng công cụ tài chính và tài khóa để giảm lãi suất cho vay với DN. Giai đoạn đầu năm Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, những khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn cao. Đây là dư địa để tiếp tục hỗ trợ DN.

Chuyên đề