Giữ bằng được ổn định kinh tế vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn kỳ vọng nhưng là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Triển vọng tăng trưởng kinh tế còn đầy thách thức, rất nhiều mục tiêu phải cân đối. Trong bối cảnh đầy rủi ro, bất định, thì ổn định kinh tế vĩ mô cần xác định là mục tiêu hàng đầu.
Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, S&P và Fitch nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, S&P và Fitch nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”. Ảnh: Lê Tiên

Triển vọng tăng trưởng còn nhiều rủi ro, thách thức

Tại Phiên họp thứ 57, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đã được ban hành kịp thời với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Kết quả, các mục tiêu đã được thực hiện cùng lức khá thành công: hạn chế, kiểm soát được sự lây lan đại dịch Covid-19 trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe nhân dân; đạt được thành quả nhất định về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cơ bản các cân đối lớn; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô...

Theo Ủy ban Kinh tế, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn kỳ vọng nhưng là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tạo dư địa trong điều hành giá. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”.

Về triển vọng tăng trưởng, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày nhận định, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh luôn thường trực; đời sống nhân dân và hoạt động kinh doanh còn khó khăn… Trong đó, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế. Tiêm vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính chiến lược và quyết định để thoát khỏi đại dịch.

Báo cáo của Chính phủ cũng đề xuất các giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm, trong đó nhấn mạnh tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" và nhiều giải pháp về tài chính, ngân sách, giáo dục, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân…

Ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của kinh tế toàn cầu, kịp thời dự báo, cảnh báo và chủ động xây dựng phương án ứng phó trước các diễn biến bất ổn về thương mại, đầu tư, tài chính khu vực và toàn cầu. Đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2021; tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô…

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá toàn diện các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn các đối tượng được thụ hưởng. Khẩn trương đề xuất, xây dựng, triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và người dân bị ảnh hưởng, trong đó cần làm rõ đối tượng, điều kiện được hỗ trợ, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm tính khả thi, dễ tiếp cận, hiệu quả, tiết kiệm. Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán để giảm thiểu nguy cơ bong bóng tài sản và bảo đảm chất lượng tín dụng...

Gợi mở để hoàn thiện các báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bối cảnh hiện nay thay đổi rất nhiều. Năm 2020, nếu các nước châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng đã rất thành công trong chống dịch, thì đến năm 2021, các nước phát triển có vắc-xin nên đã kiểm soát được tình hình. Tại châu Á, nhất là Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, rủi ro lỗi nhịp với nền kinh tế thế giới hiện hữu. Nước nào sớm đạt được miễn dịch cộng đồng, nước đó sẽ nhanh hơn chúng ta, vì thế phải chạy đua với thời gian mới khắc phục được rủi ro lỗi nhịp này.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu là phải bám sát, triển khai một cách toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược, những nhóm giải pháp. Về điều hành, phải xác định ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu, làm sao vượt qua được khó khăn, tận dụng tối đa chính sách tài khóa, tiền tệ để thúc đẩy phát triển, nhưng vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, nền tảng vĩ mô đã dày công tạo dựng.

Chuyên đề