Mua sắm dược liệu, vị thuốc cổ truyền: Kỳ vọng tháo dần điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhiều gói thầu mua sắm dược liệu, vị thuốc cổ truyền (DL&VTCT) gần như tắc nghẽn vì không có nhà thầu tham dự. Một trong những nguyên nhân chính là do nhà thầu không có Giấy đăng ký lưu hành (ĐKLH), dẫn đến không đủ tư cách hợp lệ để tham dự thầu. Thông tư số 08/2022/TT-BYT (TT08) và Thông tư số 09/2022/TT-BYT (TT09) vừa ban hành được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ dần các điểm nghẽn trong mua sắm thuốc.
Vướng mắc lớn nhất là không có Giấy đăng ký lưu hành thuốc thì nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ để tham dự thầu. Ảnh minh họa: P.A
Vướng mắc lớn nhất là không có Giấy đăng ký lưu hành thuốc thì nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ để tham dự thầu. Ảnh minh họa: P.A

Nhiều vướng mắc, không chọn được nhà thầu

Theo nhiều cán bộ của cơ sở y tế, đơn vị phụ trách tổ chức mua sắm tập trung thuốc, trong đó có DL&VTCT, có nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tình trạng thiếu thuốc trầm trọng, ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh (KCB).

Đơn cử như tại Ninh Bình, hơn 2 năm qua, hàng loạt trung tâm y tế cấp huyện phải tổ chức đấu thầu nhiều lần mà vẫn không tìm được nhà thầu cung ứng. Tại Trung tâm Y tế huyện Yên Khánh, cán bộ phụ trách tổ chức mua sắm cho biết, cứ mời thầu rồi lại hủy thầu, có những gói thầu mời đi mời lại tới 4 - 5 lần, mất rất nhiều thời gian, nhưng vẫn không có nhà thầu tham dự.

Qua tìm hiểu từ những nhà thầu từng trúng thầu, một số cán bộ phụ trách tổ chức mua sắm ngành y tại các địa phương như: Ninh Bình, Tuyên Quang… cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà thầu không tham dự thầu gói thầu cung cấp DL&VTCT như: đứt gãy chuỗi cung ứng, “nằm im chờ thời” do tác động tâm lý từ những vụ việc tiêu cực bị xử lý thời gian qua… Trong đó, vướng mắc lớn nhất là không có Giấy ĐKLH thì không đủ tư cách hợp lệ để tham dự thầu…

Theo nhiều DN, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng như sự thay đổi chính sách của một số nước, nhiều nước trên thế giới không có quy định tương ứng, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) không thể cung cấp được tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ DL&VTCT theo yêu cầu tại Điểm a Khoản 5 Điều 26 Thông tư số 38/2021/TT-BYT hay Giấy chứng nhận GMP của nhà sản xuất, Giấy phép kinh doanh dược do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp được chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP để đề nghị cấp Giấy ĐKLH thuốc hay cấp phép kinh doanh dược, cấp giấy phép nhập khẩu... Những vướng mắc này dẫn đến DN không thể nhập được dược liệu, thiếu nguyên liệu sản xuất thuốc. Trong khi đó, dược liệu được sử dụng ở Việt Nam đa phần là nhập khẩu từ các nước (chiếm tới 70 - 80%).

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nhiều vị thuốc chưa được cấp Giấy ĐKLH, nên nhà thầu không thể tham dự, đơn vị mua sắm dù đấu thầu nhiều lần vẫn không chọn được nhà thầu cung cấp, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng vị thuốc cổ truyền trong điều trị cho người bệnh. Mặt khác, một số vị thuốc đã được mua, nhập và đang tồn kho tại cơ sở y tế nhưng không thể thanh toán được, gây ra sự lãng phí.

Hiệp hội DN Dược Việt Nam (VNPCA) còn cho biết một số vướng mắc khác như: chưa có sự thống nhất về ký hiệu số đăng ký thuốc; chưa quy định rõ phạm vi bán thuốc cổ truyền... Một số khái niệm trong Luật Dược cũng chưa rõ ràng, khó xác định được đâu là thuốc dược liệu, đâu là thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền; “dược liệu sơ chế”, “dược liệu tiền chất”, “dược liệu chứa tiền chất”… Đặc biệt, việc thẩm định hồ sơ đăng ký gia hạn Giấy ĐKLH phải trình Hội đồng tư vấn cấp giấy ĐKLH gây mất thời gian, tồn đọng nhiều hồ sơ và gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh DL&VTCT…

Cần sớm gỡ vướng

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Y tế vừa ban hành 2 thông tư, gồm: TT08 quy định về việc ĐKLH thuốc và nguyên liệu làm thuốc có hiệu lực kể từ ngày 20/10/2022 (thay thế Thông tư số 32/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018) và TT09 quy định chi tiết mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) mua sắm DL&VTCT tại cơ sở y tế công lập có hiệu lực kể từ ngày 24/10/2022 (thay thế Thông tư số 31/2016/TT-BYT).

Đơn cử, theo Bộ Y tế, TT08 cắt giảm tối đa yêu cầu trong hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy ĐKLH như loại bỏ các tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ; cho phép DN nộp hồ sơ theo hình thức cuốn chiếu… sẽ giảm thiểu thời gian chờ đợi, xem xét và phê duyệt.

TT09 cho phép các gói thầu đã phát hành HSMT, hồ sơ yêu cầu (HSYC) trước ngày Thông tư số 38/2021/TT-BYT có hiệu lực thi hành (15/2/2022) được tiếp tục thực hiện; các DL&VTCT được lựa chọn trúng thầu theo các HSMT, HSYC nêu trên sẽ được tiếp tục sử dụng trong các cơ sở KCB. Các gói thầu đã phát hành HSMT, HSYC sau ngày 15/2/2022 và trước ngày 24/10/2022 được tiếp tục thực hiện đấu thầu theo HSMT, HSYC đã phát hành và quy định tại Thông tư số 38/2021/TT-BYT.

“Hy vọng, quy định mới này sẽ tháo gỡ phần nào những vướng mắc hiện nay, tạo thuận lợi hơn cho công tác đấu thầu mua sắm DL&VTCT, kể cả đơn vị tổ chức mua sắm, nhà thầu và đơn vị thanh toán - Bảo hiểm Xã hội”, một cán bộ của Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết.

Tuy vậy, một số ý kiến rằng, việc ban hành 2 thông tư là không đủ, mà cần phải sửa đổi cả các quy định liên quan, tiến tới xây dựng mới Luật Dược đồng bộ hóa với hệ thống chính sách pháp luật của ngành y tế và pháp luật liên quan. Trước mắt, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cần phải khẩn trương xem xét, sửa đổi ngay một số điều của Luật Dược như: cấp phép hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy ĐKLH, cấp phép nhập khẩu, bổ sung quy định GMP đối với nguyên liệu làm thuốc từ một số nước…

“Nếu không kịp có cơ chế cho các giấy ĐKLH thuốc, nguyên liệu làm thuốc tiếp tục có hiệu lực, thì không bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu KCB của người dân, tình trạng thiếu thuốc trong thời gian tới là hiện hữu... Mặc dù đến nay, Bộ Y tế đã gia hạn được hơn 10.000 giấy ĐKLH, nhưng chỉ được phép gia hạn đến ngày 31/12/2022, còn các giấy ĐKLH sắp hết hạn vẫn cần được tiếp tục gia hạn”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Chuyên đề