Phi đội Yak-130 cất cánh huấn luyện.
Trường không quân cao cấp Krasnodar là đơn vị duy nhất trong quân đội Nga được trang bị toàn máy bay Yak-130, mẫu tiêm kích phản lực huấn luyện mới nhất của nước này, theo Livejournal.
Yak-130 là tiêm kích phản lực được phát triển cho nhiệm vụ huấn luyện. Phi công hướng dẫn ngồi phía sau, trong khi học viên chuyển loại ngồi phía trước. Sau khi tốt nghiệp huấn luyện sơ cấp với máy bay cánh quạt, học viên sẽ phải lái thành thạo Yak-130 trước khi được học lái tiêm kích chiến đấu chuyên biệt.
Vào đầu mỗi ban bay, phi công có nhiệm vụ kiểm tra tình trạng máy bay, trước khi ký nhận bàn giao từ nhóm bảo đảm kỹ thuật mặt đất.
Khi máy bay bắt đầu lăn bánh trên mặt đất, cửa hút khí sẽ được đóng chặt để tránh dị vật lọt vào động cơ. Các cửa chớp ở mặt trên sẽ mở ra để cung cấp nguồn khí cho động cơ, tương tự dòng tiêm kích MiG-29.
Máy bay được kỹ thuật viên kiểm tra một lần nữa trước khi cất cánh. Quá trình này bảo đảm không có sự cố nào xảy ra trên quãng đường máy bay di chuyển từ bãi đỗ tới đường băng.
Yak-130 có khối lượng rỗng 4,6 tấn, nhưng có thể mang tới 3 tấn vũ khí các loại trên 6 giá treo và 1,7 tấn nhiên liệu. Điều này cho phép Yak-130 thực hiện nhiều nhiệm vụ như tấn công đường không, tiêu diệt mục tiêu mặt đất, không thua kém gì các mẫu tiêm kích đa năng của Nga hiện nay.
Vũ khí uy lực nhất của Yak-130 là tên lửa đối không tầm gần R-73E với tầm bắn 30 km và bom dẫn đường quang truyền hình KAB-500Kr.
Nhân viên kỹ thuật trao đổi với phi công sau khi hoàn thành ban bay.
Thiết bị điện tử và tính năng vận hành của Yak-130 tương đồng với các tiêm kích thế hệ 4++ của Nga như Su-30SM, Su-35S và thế hệ 5 như T-50, giúp đơn giản hóa quá trình huấn luyện và tiết kiệm chi phí.
Không quân Nga đang vận hành 81 chiếc Yak-130. Mẫu máy bay này cũng được xuất khẩu tới 4 quốc gia khác.
Thông số kỹ chiến thuật của Yak-130. Đồ họa: Việt Chung (Nguồn: Ria Novosti)