May 10 luôn biết cách vượt khó trong mọi hoàn cảnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là một trong những doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành dệt may ở Việt Nam với đội ngũ hơn 12.000 lao động, vì thế, mọi quyết sách của Tổng công ty May 10 luôn đặt người lao động là trung tâm. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 chia sẻ trong cuộc trò chuyện cùng Báo Đấu thầu nhân dịp xuân Quý Mão.
Tổng công ty May 10 cho ra mắt những dòng thời trang cao cấp hướng tới thị trường trong nước
Tổng công ty May 10 cho ra mắt những dòng thời trang cao cấp hướng tới thị trường trong nước

Năm 2022 nhiều thăng trầm với DN dệt may vừa khép lại. Ông cảm nhận như thế nào?

2022 là một năm có nhiều cung bậc cảm xúc. Sau thời gian đại dịch, người tiêu dùng mua nhiều hơn, khiến cho lượng đơn hàng của quý I, II/2022 tăng vọt. Tuy vậy, tình hình bắt đầu xấu đi trong nửa cuối năm. Các thị trường chính đều giảm mạnh như: Mỹ giảm 30%; châu Âu giảm 30 - 35%; Nhật Bản giảm 10%. Một vấn đề nữa khiến DN đau đầu là trong nửa đầu năm nhiều đơn hàng thì thiếu nhân công, khi đã tuyển đủ nhân công thì đơn hàng khan hiếm.

Ông Thân Đức Việt

Ông Thân Đức Việt

Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá tăng khiến DN sản xuất đứng ngồi không yên. Đáng nói là biến động này diễn ra ngay giai đoạn cuối năm, khi các DN rất cần vốn để sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng rất lớn tới chi phí đầu vào của sản phẩm.

Đối mặt với những khó khăn này, chúng tôi luôn theo dõi sát diễn biến thị trường, tìm cách đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, triệt để tiết kiệm trên mọi lĩnh vực, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ… Chính vì vậy, mặc dù trải qua năm 2022 với muôn vàn thách thức, song bằng sự chủ động, linh hoạt trong công tác điều hành và nỗ lực của người lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của May 10 vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng. Theo đó, doanh thu ước đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021, đạt 118,42% kế hoạch. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2022 ước đạt gần 9,3 triệu đồng/tháng, tăng 11,24% so với năm 2021.

Kết quả này không phải ngẫu nhiên mà đạt được, thưa ông?

Năm 1946, từ một xưởng quân nhu nhỏ bé tại chiến khu Việt Bắc với nhiệm vụ may quân trang cho bộ đội, thế hệ May 10 năm xưa được tôi rèn bản lĩnh anh bộ đội cụ Hồ trong khó khăn, thử thách của hai cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Kế thừa truyền thống bộ đội cụ Hồ, May 10 luôn biết cách vượt khó trong mọi hoàn cảnh. Những lúc gian khó nhất thì tinh thần của tập thể May 10 lại càng được phát huy cao nhất. May 10 luôn coi đoàn kết là “tài sản chung”, là sức mạnh to lớn.

Ngay cả trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, May 10 vẫn bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, người lao động không phải nghỉ dù chỉ một ngày với thu nhập ổn định. Chính sự khác biệt về mô hình dẫn đến một nét văn hóa hoàn toàn tự nhiên của May 10. Con em người lao động, cứ thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước vào làm việc tại Tổng công ty.

Đặc biệt, văn hóa May 10 còn được xây dựng trên cơ sở “Sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và đất nước”. Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty May 10 luôn thể hiện trách nhiệm xã hội bằng các hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa, được duy trì thường xuyên và liên tục.

Vượt qua khó khăn, bảo đảm việc làm cho hàng chục nghìn lao động, xin ông chia sẻ một số kinh nghiệm từ hoạt động điều hành May 10?

Trong hơn 2 năm qua, bản thân tôi và tập thể người lao động May 10 đã thực sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện, từ tốc độ ra quyết định, tốc độ làm việc đến thay đổi tư duy, thói quen…

Là một CEO, tôi đã có những trải nghiệm và bài học quý giá cho việc điều hành công việc sản xuất, kinh doanh. Một trong những tố chất mà người lãnh đạo cần có là khả năng quản trị rủi ro, linh hoạt trước các tình huống không thể dự báo trước. Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, bản thân tôi cũng như nhiều doanh nhân khác đã được trui rèn khả năng ra quyết định nhanh, linh hoạt chuyển đổi và thích ứng trong tình hình mới.

Ngoài ra, một trong những nhân tố giúp chúng tôi vượt qua đại dịch là bản lĩnh, văn hóa của những người lao động May 10. Bởi May 10 là một đơn vị với nét văn hóa riêng, lấy “Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”. Chính vì vậy, liên tiếp từ năm 2014 đến nay Tổng công ty được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh là: “Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động”.

May 10 chuẩn bị gì để bước qua năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội?

Tình hình kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo không mấy tích cực có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Doanh số bán lẻ quần áo và giày dép tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã có dấu hiệu kém khả quan từ tháng 10/2022, có thể kéo dài đến hết quý I và thậm chí là quý II/2023, báo hiệu một mùa khó khăn cho các DN dệt may nói chung, May 10 nói riêng.

Để đối phó với nguy cơ trước mắt, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, May 10 tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ trong nước. Với quy mô dân số 100 triệu người, Việt Nam sẽ là thị trường tiềm năng cho các DN dệt may. Ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ chủ yếu phân khúc thị trường phổ thông và thu nhập trung bình khá, chúng tôi còn cho ra mắt những dòng thời trang cao cấp nhằm phục vụ tầng lớp trung lưu, doanh nhân.

Thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ sản xuất, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo. May 10 đã hợp tác cùng chủ đầu tư GreenYellow Việt Nam triển khai dự án điện mặt trời, địa điểm đầu tiên là nhà xưởng Xí nghiệp May Bỉm Sơn (Thanh Hóa).

Với việc đầu tư dự án điện mặt trời kết hợp với nhiều hoạt động xanh đã được triển khai, May 10 mong muốn xây dựng chuỗi “nhà máy xanh”, góp phần thực hiện những cam kết với Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường, giảm khí thải cacbon và phát triển bền vững.

Năm 2023 là thời điểm theo cam kết tại nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia, thuế suất nhiều mặt hàng dần về bằng 0. Đây là cơ hội để ngành dệt may mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, DN Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu với giá rẻ hơn hoặc thu hút đầu tư, liên doanh sản xuất, tiến tới chủ động nguyên phụ liệu trong nước.

Chuyên đề