Luật PPP - cơ hội mới cho nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật PPP được ban hành và có hiệu lực trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam, ở thời điểm chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn mới. Do đó, trong thời gian tới, việc triển khai PPP sẽ có những thuận lợi cũng như thách thức đan xen.
Luật PPP và các văn bản hướng dẫn được ban hành sẽ tháo gỡ rào cản, thu hút được khu vực tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên
Luật PPP và các văn bản hướng dẫn được ban hành sẽ tháo gỡ rào cản, thu hút được khu vực tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào kết cấu hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên

Thách thức và cơ hội đan xen

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã xác định xây dựng hạ tầng là một trong ba khâu đột phá chiến lược và PPP là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ công. Luật PPP được ban hành tạo nền tảng pháp lý mạnh mẽ hơn, xây dựng thể chế thuận lợi hơn để triển khai dự án PPP. Tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng tại Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao, hy vọng khi các văn bản hướng dẫn Luật PPP được ban hành đầy đủ sẽ tháo gỡ rào cản, thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thực tế triển khai PPP thời gian qua cho thấy, trong điều kiện thuận lợi thu hút PPP cũng có nhiều khó khăn, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam, thì việc thu hút được dòng vốn tư nhân càng gặp nhiều thách thức hơn.

Một trong những vấn đề quan trọng trong thời gian tới, theo ông Vũ Tiến Lộc, là khi hoàn thiện khung pháp lý về PPP phải vừa quản lý chặt chẽ nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm lợi ích công, chất lượng dịch vụ, an toàn tài khóa quốc gia, vừa phải thông thoáng, thuận lợi, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Đồng thời, phải tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các dự án đã, đang triển khai để tạo niềm tin của nhà đầu tư PPP. “Sự tôn trọng hợp đồng PPP của cơ quan nhà nước là cái neo giữ được niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Thái, Trường Đại học Giao thông vận tải, một dự án PPP thành công cần nhiều yếu tố. Uy tín và năng lực của Chính phủ đóng vai trò quan trọng. Một đối tác mạnh về tài chính, có năng lực kỹ thuật và quản lý xuất sắc là cần thiết cho sự thành công của một dự án PPP. Bên cạnh đó, tất cả các rủi ro tiềm năng của dự án nên được xác định và phân bổ thích hợp. Ưu đãi tài chính hợp lý và dòng doanh thu ổn định là rất quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân. Ông Thái cũng nhấn mạnh đến việc cần có một cơ quan đại diện phía Chính phủ khi thực hiện PPP, có bất cứ việc gì tư nhân chỉ cần gặp đại diện này, giảm thiểu thời gian, công sức và mặt trái khi tiếp xúc quá nhiều bên.

Lo ngại chỉ Luật PPP mở là chưa đủ

Đánh giá cao Luật PPP, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, trong khi Luật PPP ra đời thúc đẩy thu hút đầu tư tư nhân với nhiều cam kết mạnh mẽ của Nhà nước, thì các quy định của ngành ngân hàng lại hạn chế tối đa, thậm chí có tổ chức tín dụng nói không với cho vay BOT. Nếu đã thống nhất đẩy mạnh thu hút nguồn lực tư nhân thì các quy định đều phải hướng đến một mục tiêu, chỉ một luật mở là chưa đủ.

Bên cạnh đó, dù có Luật PPP, ông Thế vẫn lo ngại về việc cơ quan nhà nước không thực hiện đúng cam kết tại hợp đồng. Ông Thế dẫn ra thực tế cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại hợp đồng BOT thường xuyên bị vô hiệu lực mà không có chế tài, ràng buộc trách nhiệm, gây rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Trao đổi về những vấn đề này, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian qua, ngoài khả năng thu lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, cũng có những dự án PPP gặp khó trong việc bảo đảm dòng tiền trả nợ, nên ngành ngân hàng cần bảo đảm tính an toàn cho vay. Theo bà Lê, Luật PPP đã mở ra kênh huy động vốn trên thị trường và có thể sau này sẽ nghiên cứu phương án huy động vốn của dân cư như yêu cầu của nhiều đại biểu Quốc hội. “Không nên chỉ dựa vào vốn ngân hàng mà cần đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, hiện nay đang dựa quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng trong khi các ngân hàng đã, đang chia sẻ gần hết hạn mức của họ”, bà Lê khuyến nghị.

Về trách nhiệm thực hiện cam kết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bà Lê cho biết, PPP là mối quan hệ hợp đồng. Vì thế ngay tại hợp đồng phải xác định rõ vai, trách nhiệm của từng bên và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý khi một trong hai bên không thực hiện đúng nghĩa vụ. Đặc biệt quan trọng là thiết kế chia sẻ rủi ro phù hợp, lượng sức đối với từng bên. Theo bà Lê, Luật PPP cũng đã có những quy định về chế tài, có thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại, xử lý vi phạm. Quan trọng nhất là hình thành văn hóa thực hiện PPP trên cơ sở tuân thủ hợp đồng, nguyên tắc tự nguyện bình đẳng, phù hợp quy luật thị trường...

Chuyên đề