Luật PPP: Củng cố niềm tin để nhà đầu tư tham gia dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều nhà đầu tư, Luật PPP đã tháo gỡ nhiều vướng mắc, rào cản đối với dự án PPP, tháo cởi cả những gánh nặng về tâm lý, củng cố niềm tin để giới đầu tư mạnh dạn hơn khi tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn của đất nước. 
Việc ban hành Luật đã tạo khung pháp lý ổn định cho phương thức đầu tư PPP, giảm thiểu rủi ro trong suốt vòng đời dự án. Ảnh: Lê Tiên
Việc ban hành Luật đã tạo khung pháp lý ổn định cho phương thức đầu tư PPP, giảm thiểu rủi ro trong suốt vòng đời dự án. Ảnh: Lê Tiên

Nhà đầu tư đã cảm nhận được rằng Nhà nước có những cam kết rõ ràng hơn, như là một đối tác bình đẳng, chia sẻ hài hòa cả lợi ích và rủi ro, đem đến hiệu quả tốt nhất cho dự án.

Luật PPP: Củng cố niềm tin để nhà đầu tư tham gia dự án PPP ảnh 1
“Cần quyết tâm triển khai thực hiện bằng các công cụ, biện pháp cụ thể”

Ông Đào Việt Dũng, Chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

Hạ tầng vẫn là một trong ba trọng tâm ưu tiên, nếu Việt Nam muốn thu hút làn sóng mới về FDI, vấn đề hạ tầng phải đi trước một bước. Nguồn lực của Nhà nước có hạn, nhất là sau tác động của dịch Covid-19. Vì thế càng cần bổ sung nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư cho hạ tầng trong thời gian tới.

Việc Việt Nam xây dựng Luật PPP đã thể hiện một nỗ lực quyết tâm chính trị rất lớn, nhìn nhận được sự cần thiết của PPP đối với phát triển, là tín hiệu tốt với nhà đầu tư quốc tế. Luật được Quốc hội thông qua thời điểm này là rất thuận lợi để Việt Nam đón đầu giai đoạn phát triển mới với một tư duy mới, cách nhìn mới - làm sao huy động được tất cả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Luật đã có nhiều quy định rõ ràng, cải thiện, như quy định rõ hơn về các hình thức hỗ trợ của Chính phủ, chia sẻ rủi ro, chuẩn bị dự án, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ linh hoạt với mức trần 30%...

Ban hành được Luật là bước khởi đầu rất tốt, nhưng sau đó việc triển khai thực hiện, con người thực thi chính sách mới là quan trọng nhất để phát huy được hiệu quả của Luật. Cần có sự nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện bằng các công cụ, biện pháp rất cụ thể, tiến độ, kế hoạch chi tiết, giám sát chặt chẽ… Đặc biệt, cần quyết tâm vượt qua rào cản ngại khó khăn, phức tạp, vượt qua cả nỗi sợ hãi vì trước kia cũng có những dự án không được như mong đợi, không phải vì cơ chế PPP mà vì nhiều khi do triển khai thực hiện chưa trúng, chưa đúng. Việt Nam mình vẫn có câu “lạt mềm buộc chặt”, cần có cái nhìn linh hoạt, theo thị trường, làm sao vẫn thu hút được đầu tư đi kèm công cụ kiểm soát. Nếu lo sợ quá dẫn tới chặt chẽ quá mức thì rất khó thu hút đầu tư.

Người thực thi cần tư duy cởi mở, lựa chọn dự án đủ khả thi, mang lại lợi nhuận phù hợp, rủi ro chấp nhận được, đủ sức hấp dẫn để làm PPP, bởi vì Nhà nước đang cần mời gọi nhà đầu tư để huy động thêm nguồn lực và kinh nghiệm quản lý, sáng kiến, công nghệ của họ. Nếu đưa ra dự án khó khăn quá, thì dù có Luật cũng khó thu hút được nhà đầu tư, mà nếu có thu hút được cũng lại tạo ra gánh nặng cho xã hội, bản thân doanh nghiệp, ngân hàng rơi vào tình trạng khó khăn. Dự án PPP phải là “win - win” (cùng thắng).

Luật PPP: Củng cố niềm tin để nhà đầu tư tham gia dự án PPP ảnh 2
“Tạo luật chơi đầy đủ, bình đẳng”

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI)

Luật PPP đã tạo một luật chơi đầy đủ, bình đẳng trong đó thể hiện những cam kết của Nhà nước với các nhà đầu tư cũng như quy định các nguyên tắc mà nhà đầu tư cần tuân thủ để triển khai dự án một cách ổn định lâu dài.

Những quy định về lĩnh vực đầu tư, quy mô và phân loại dự án, các thủ tục thẩm định, nguyên tắc quản lý… sẽ tạo ra các sản phẩm được nhân dân chấp nhận. Vì theo đó tất cả các sản phẩm, dịch vụ từ các dự án PPP đều là những sản phẩm người dân có quyền lựa chọn khi tham gia sử dụng.

Luật PPP với cơ chế lựa chọn nhà đầu tư công khai, minh bạch sẽ giúp chọn lựa được những nhà đầu tư thực sự có năng lực, loại bỏ được các nhà đầu tư “0 đồng”, hoặc nhà đầu tư quan hệ.

Đặc biệt, rào cản lớn và khó khăn đối với các nhà đầu tư tư nhân khi tham gia dự án PPP là huy động vốn tín dụng. Luật PPP sẽ mang đến những thay đổi đáng kể trong huy động vốn, khai thác nguồn lực từ bên ngoài, tạo cơ chế thoáng hơn khi muốn huy động vốn. Tôi nghĩ rằng sẽ có những tháo gỡ dần dần đối với nhà đầu tư trong nỗ lực khai thông nguồn tín dụng.

Tổng nợ của các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực giao thông tính tới tháng 2/2020 chỉ chiếm 1,24% tổng dư nợ tại các ngân hàng thương mại. Hiệp hội đang đề nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng thương mại tăng tỷ lệ cho vay các dự án PPP, nâng hạn mức vay trung và dài hạn hoặc Chính phủ phát hành trái phiếu công trình để hình thành các quỹ đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Vấn đề này, Nhà nước phải có chính sách cụ thể tiến tới hình thành, phát triển thị trường vốn.

Luật PPP: Củng cố niềm tin để nhà đầu tư tham gia dự án PPP ảnh 3
“Mong muốn các cơ quan tại địa phương cũng thấu hiểu nội dung Luật”

Ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tân 1, Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1

Là nhà đầu tư đang triển khai một trong số ít dự án BOT trong lĩnh vực phát điện, chúng tôi đánh giá cao việc ban hành Luật PPP. Việc ban hành đạo luật này đã tạo khung pháp lý ổn định để chúng tôi cũng như các nhà đầu tư khác mạnh dạn hơn trong việc đầu tư thêm vào hạ tầng phát điện và truyền tải điện. Đồng thời, các rủi ro cũng sẽ được giảm thiểu trong suốt vòng đời dự án, mang lại không chỉ hiệu quả kinh tế cho dự án mà còn đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế.

Chúng tôi mong muốn không chỉ các cơ quan ban hành luật, mà cả các cơ quan tại địa phương cũng sẽ thấu hiểu nội dung Luật này, hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Chúng tôi cũng mong muốn hệ thống văn bản dưới Luật sẽ tiếp tục được hoàn thiện trên cơ sở thống nhất và đồng bộ. Đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực PPP, điều chúng tôi quan tâm nhất là sự ổn định của hành lang pháp lý, các ảnh hưởng bất lợi do sự thay đổi pháp luật trong quá trình triển khai dự án phải được giảm thiểu tối đa và có cơ chế bồi thường cho dự án. Trách nhiệm của các nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước trong cơ chế hợp tác PPP phải được phân định rõ ràng.

Chuyên đề