Luật PPP: Tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng, bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới.
Luật PPP: Tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã nhấn mạnh thông tin này tại cuộc họp báo giới thiệu Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 và Luật PPP được Bộ tổ chức chiều 10/7, tại Hà Nội.

Nâng cao tính hiệu quả, minh bạch của phương thức đầu tư PPP

Thông tin về Luật PPP, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, đây là đạo luật mới dựa trên thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện dự án PPP ở nước ta, nhưng trong một thời gian khá dài triển khai các dự án này chỉ dựa vào các căn cứ pháp lý ở cấp nghị định. Do đó, việc tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, trong đó có vấn đề đảm bảo chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước với nhà đầu tư.

Theo Thứ trưởng, đầu năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề xuất xây dựng Luật PPP được Chính phủ chấp thuận và báo cáo với Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Luật PPP đã được Quốc hội thông qua. “Đây là bộ luật dành được sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng khung khổ thể chế pháp lý để nâng cao tính hiệu quả, minh bạch của phương thức đầu tư PPP”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.

Về quan điểm, mục tiêu cũng như sự cần thiết ban hành Luật PPP, tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo ra môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp (DN). Cụ thể, Luật quy định riêng cho mối quan hệ hợp tác công tư để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của Nhà nước thuộc trách nhiệm của Nhà nước nhưng nay cần huy động tư nhân tham gia đầu tư, tránh tình trạng vay mượn các quy định pháp luật liên quan. “Trước đây, hợp tác công tư chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật liên quan như: Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Nhà ở… nên rất khó quy định những nội dung hết sức đặc thù của quan hệ đối tác công tư”, ông Trương nói.

Thứ hai, chúng ta phải xây dựng khung khổ pháp lý ổn định và lâu dài để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, vì quan hệ đối tác công tư thường mang tính dài hạn, 20 - 30 năm. Nếu khung khổ pháp lý không ổn định rất khó tạo lòng tin cho nhà đầu tư.

Thứ ba, chúng ta hoàn thiện hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cho riêng loại hình dự án PPP như: bảo đảm ngoại tệ, chia sẻ rủi ro, phần vốn nhà nước trong dự án PPP…

Những nội dung cơ bản của Luật, theo ông Trương, bao gồm: lĩnh vực đầu tư; quy mô đầu tư; phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; hội đồng thẩm định dự án PPP; vốn nhà nước trong dự án PPP; lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; huy động vốn của DN dự án; kiểm toán nhà nước đối với dự án PPP.

Dừng dự án BT từ ngày 1/1/2021

Một nội dung quan trọng khác của Luật PPP được Cục trưởng Nguyễn Đăng Trương cho biết, Luật thể chế chủ trương áp dụng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới kể từ ngày 1/1/2021. Theo đó, kể từ ngày 15/8/2020, tất cả các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện. Luật cũng quy định chuyển tiếp với những dự án BT đang triển khai.

Thông tin về lý do dừng các dự án BT, ông Trương cho hay, có nhiều lý do. Về khoa học, các chuyên gia quốc tế cho rằng, dự án BT của Việt Nam không mang bản chất của dự án PPP. “Bản chất là dự án PPP có sự hợp tác chặt chẽ và dài hạn giữa Nhà nước và tư nhân, còn ở Việt Nam, dự án BT làm xong thì nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước và nhà đầu tư nhận lại bằng dự án đối ứng bằng đất hay tài sản hay tiền là xong. Nhà đầu tư không có trách nhiệm lâu dài đối với dự án đó”, ông Trương cho biết.

Về mặt thực tiễn, thời gian vừa qua, dự án BT có nhiều tác dụng trong việc huy động được nguồn lực, thay đổi diện mạo của nhiều địa phương khi thực hiện dự án. Tuy vậy, triển khai dự án BT cũng đặt ra nhiều quan ngại khi tổng mức đầu tư dự án tăng không được kiểm soát chặt chẽ, giá đất đối ứng thấp… Vì vậy, Luật PPP quyết định dừng thực hiện dự án BT.

Đánh giá cao việc Luật PPP thể chế chủ trương dừng dự án BT, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM bày tỏ, Luật quy định những điều khoản chuyển tiếp với những dự án BT đang triển khai, giải quyết rất nhiều khó khăn cho DN. Tất cả các dự án BT triển khai từ năm 2017 đến nay đều bị dừng thanh toán để chờ hướng dẫn nên nhà đầu tư không được thanh toán các khối lượng đã thực hiện, không được giao các quỹ đất đối ứng nên quy định điều khoản chuyển tiếp đã tháo gỡ lớn cho DN.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư