Lấy ý kiến Dự thảo Chị thị về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp vừa hoàn tất Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản (ĐGTS). Dự thảo Chỉ thị đang được Bộ Tư pháp gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản
Ảnh minh họa
Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản Ảnh minh họa

Theo tổng hợp của Bộ Tư pháp, tính đến tháng 12/2019, cả nước có 1.008 đấu giá viên đã được Sở Tư pháp cấp Thẻ đấu giá viên; hơn 460 tổ chức đấu ĐGTS (trong đó có hơn 410 doanh nghiệp ĐGTS và 59 trung tâm dịch vụ ĐGTS của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Từ tháng 1/2017 - 12/2019, các tổ chức ĐGTS đã tổ chức thành công 86.607 cuộc đấu giá với tổng giá khởi điểm là 194.755,2 tỷ đồng, tổng giá trị bán thành là 233.053,8 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Tư pháp đánh giá, hoạt động ĐGTS còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập như: việc định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá còn chưa sát; chênh lệch kết quả trúng đấu giá và giá khởi điểm còn chưa cao; việc lựa chọn tổ chức ĐGTS còn chưa khách quan; việc giám sát quá trình tổ chức đấu giá không thường xuyên, thậm chí là “buông lỏng”; chất lượng, năng lực hoạt động của đội ngũ đấu giá viên còn hạn chế.

Ngoài ra, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, thông đồng dìm giá, quân xanh quân đỏ, băng nhóm xã hội đen diễn ra phức tạo, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự địa phương. Đấu giá thành công nhưng không giao được tài sản cho người trúng đấu giá, dẫn đến tâm lý e ngại tham gia đấu giá, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, nhà nước.

Bộ Tư pháp cho biết, nguyên nhân của tình trạng nêu trên do hoạt động ĐGTS chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật, liên quan đến nhiều khâu, thuộc quyền quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương. Việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động ĐGTS còn chưa nghiêm. Một bộ phận người có tài sản còn thiếu trách nhiệm trong việc xử lý tài sản. Một số tổ chức ĐGTS có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đấu giá. Tình trạng thông đồng, dìm giá, quân xanh quân đỏ, cò mồi, đe dọa, cưỡng ép xảy ra khá tinh vi, khó phát hiện; công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên, việc xử lý mang tính răn đe chưa cao…

Trước những hạn chế nêu trên, Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS giao bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát và đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định về ĐGTS không còn phù hợp, mâu thuẫn.

Hiện, UBND cấp tỉnh đã tổ chức rà soát và ban hành Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương đảm bảo phù hợp với Luật ĐGTS. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Nghị định thay thế Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 22/2010/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế cho Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm.

Dự thảo Chỉ thị cũng giao bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành quy định các loại tài sản phải bán thông qua hình thức đấu giá để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan trong việc xử lý tài sản; việc định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá đảm bảo sát với giá thị trường, hạn chế tình trạng trục lợi, gây thất thoát tài sản.

Dự thảo Chỉ thị cũng giao bộ, ngành, địa phương với tư cách là người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản có trách nhiệm trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục của ĐGTS. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền quản lý tài sản, người có tài sản trong việc đưa tài sản ra bán đấu giá, tổ chức định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá và xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tiếp tay, bao che cho hành vi vi phạm.

Bộ Tư pháp cho biết, Dự thảo Chỉ thị giao các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện thí điểm việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến đối với một số tài sản công do bộ, ban, ngành ở trung ương quản lý; quyền sử dụng đất tại địa phương có giá trị lớn, đặc thù, phức tạp.

Chuyên đề