Làm gì để nắm bắt các cơ hội quý từ FTA?

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia hàng chục hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương. Việc tích cực tham gia tự do hóa thương mại cho thấy sự cởi mở của nền kinh tế Việt Nam. Làm thế nào Việt Nam có thể nắm bắt được các cơ hội do FTA mang lại?
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cơ hội

Theo Báo cáo Việt Nam 2035 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới công bố, các FTA mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam về tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, ASEAN, với sự ra đời của AEC, đã trở thành một khối thương mại thực thụ, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Lợi ích ước tính cho Việt Nam rơi vào khoảng 1 - 3% tăng trưởng thu nhập quốc dân cộng dồn. Đây cũng là bước đệm cho Việt Nam trước khi tham gia vào các quan hệ đối tác hứa hẹn hơn, vượt ra khỏi khu vực. Ngoài ra còn phải kể đến Khu vực tự do thương mại Châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP). Đáng chú ý nhất là việc gia nhập TPP, nơi có sự hiện diện của Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ 3 thế giới. Toàn bộ các quốc gia tham gia TPP chiếm gần 36% tổng GDP và hơn ¼ thương mại toàn cầu. Vẫn theo Báo cáo Việt Nam 2035, Việt Nam có vị thế tốt để hưởng lợi từ Hiệp định này. Khi TTP đi vào thực hiện thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 8% vào năm 2035. Các nhà phân tích ước tính, Việt Nam sẽ hưởng lợi hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác tham gia TPP. Việt Nam cũng có thể tận dụng các cam kết trong TTP để thực hiện những biện pháp cải cách chính sách mà thông thường sẽ khó thực hiện được.

Tựu trung lại, cơ hội khi tham gia các FTA bao gồm thuế, ưu đãi đầu tư và hàng loạt chính sách khác. 

Làm gì để chớp cơ hội?

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035, có ít nhất 3 câu chuyện Việt Nam cần xử lý để có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội do FTA mang lại.

Một là Việt Nam cần chủ động khai thác triệt để các cơ hội của mô hình chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, mô hình này phụ thuộc quá nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện lắp rắp ở công đoạn cuối, thiếu liên kết ngược với các nhà cung ứng trong nước trong hoạt động sản xuất chính. Mặt khác, hầu hết doanh nghiệp trong nước chưa đủ khả năng tiếp thu công nghệ cao hơn hoặc chưa thể tham gia vào các công đoạn phức tạp hơn trong chuỗi giá trị.

Thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch tăng về quy mô, đa dạng hơn, phản ánh quá trình chuyển đổi từ xuất khẩu sản phẩm thô sang xuất khẩu hàng hóa chế tác có hàm lượng công nghệ thấp và trung bình (may mặc, đồ gỗ, giày dép) và tiếp theo là hàng hóa tinh xảo hơn như: máy móc và điện tử. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam còn yếu.

Thứ hai, những hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong các ngành dịch vụ chiến lược như viễn thông, ngân hàng, thông tin đại chúng, truyền tải và phân phối điện, vận tải đường bộ, đường sắt, đường không, khai thác cảng của Việt Nam đang gây cản trở hoặc gây phiền hà cùng chi phí cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. Theo các chuyên gia, điều quan trọng là cần giảm bớt và hợp lý hóa những giới hạn này, sao cho cơ chế thị trường có thể phân bổ dòng vốn đầu tư một cách minh bạch trên một sân chơi bình đẳng cho tất cả cấc nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thứ ba là việc phân bổ nguồn lực hợp lý. Trong một buổi trả lời báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng khẳng định, chúng ta đã làm nhiều việc để tạo dựng nguyên tắc thị trường trong kinh tế nhưng vẫn còn quá nhiều việc chưa làm được. Đơn cử như các nguồn lực quốc gia, đáng ra chúng ta phải đưa ra đấu thầu cạnh tranh, thành phần kinh tế nào làm ăn hiệu quả thì giao cho quản lý và khai thác. Cách chúng ta phân bổ hiện nay vẫn không thực sự công bằng và bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực quốc gia khi một số nguồn lực về tài nguyên hiện không được đưa ra đấu thầu, mà giao cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Chuyên đề