Lãi suất rục rịch tăng, doanh nghiệp thêm khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng đã gia nhập cuộc đua tăng lãi suất huy động. Lãi suất cho vay tại một số nhà băng cũng đã xác lập mặt bằng mới. Điều này có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục và còn nhiều khó khăn. Do đó, cần có các giải pháp để kiềm chế mức tăng lãi suất và nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ lãi vay theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Ảnh: Lê Tiên
Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng thương mại. Ảnh: Lê Tiên

Khảo sát cho thấy, biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức tiếp tục tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 5 ở một số ngân hàng vừa và nhỏ. Tính từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng TMCP.

Về lãi suất cho vay, cán bộ tín dụng của Ngân hàng Vietcombank cho biết, đang có các gói vay ưu đãi cho khách hàng ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với mức lãi suất năm đầu tiên 7,29%/năm, năm thứ 2 là 9,5%/năm và điều chỉnh ở những năm tiếp theo. Ngoài ra, Vietcombank cũng có các gói vay lãi suất cố định 8,7%/năm cho kỳ hạn 2 năm và 9,3%/năm cho kỳ hạn 3 năm. Đây là biểu lãi suất cho vay mới vừa được cập nhật cách đây một tuần. Trước đó, gói vay 2 năm có lãi suất cố định ở mức 8,4%/năm và gói vay 3 năm là 9%/năm.

Trong khi đó, nhân viên tín dụng của một ngân hàng TMCP tại Hà Nội cho biết, lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp hiện ở mức 9,7%/năm cho 6 tháng đầu của kỳ hạn vay 6 - 12 tháng, 9,9%/năm trong 6 tháng đầu với khoản vay trung hạn từ 13 tháng - 3 năm và sau đó tăng lên mức 11 - 12%/năm tùy theo mức độ tín nhiệm của đối tác và phương án kinh doanh. Mức lãi suất cho vay này đã nhích tăng so với cuối năm 2021.

Theo giám đốc một doanh nghiệp xây dựng cầu đường, là doanh nghiệp lớn và có quan hệ tín dụng lâu dài với ngân hàng nên mức lãi suất cho vay hiện vẫn ổn định như trước, ở mức 8%/năm với khoản vay kỳ hạn 6 tháng và 10%/năm với khoản vay trung và dài hạn. Tuy nhiên, đây cũng là mức chi phí vốn khá cao và là một áp lực trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, các gói hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang ách tắc.

TS. Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết: “Các doanh nghiệp trong hiệp hội chưa nhận được thông báo tăng lãi suất với khoản vay mới từ ngân hàng, nhưng nếu lãi suất tăng trong thời gian tới thì nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Năm 2021, nhiều ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Ngân hàng Nhà nước cũng có chủ trương yêu cầu các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để giảm lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong bối cảnh doanh nghiệp cần nguồn vốn giá “mềm” để khôi phục sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng nên hết sức cân nhắc, thận trọng khi tăng lãi suất cho vay”.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc lãi suất tiền gửi tăng sẽ góp phần tăng lãi suất cho vay, song mức tăng còn tùy thuộc vào cơ cấu nguồn vốn của từng ngân hàng và chính sách cho vay, hạn mức tín dụng với từng lĩnh vực vay vốn.

“Lãi suất huy động tăng phản ánh thanh khoản của một số ngân hàng đang thiếu hụt có thể do nợ xấu tăng lên khiến nguồn vốn cho vay cũ chưa quay trở về hệ thống. Bên cạnh đó, lạm phát có xu hướng tăng và lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương các nước cũng tăng. Trong khi đó, nhu cầu vay tăng cao sau khi hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng tốc trở lại trong thời gian gần đây. Dù vậy, có thể thấy rõ cơ quan chức năng đang nỗ lực kiềm chế và ổn định mặt bằng lãi suất bằng việc chưa tăng lãi suất điều hành, đồng thời tiếp tục kêu gọi nhà băng đẩy mạnh các gói vay ưu đãi ở lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh những động thái đó, cần nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Linh nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng trong năm nay do áp lực lạm phát, các ngân hàng cạnh tranh thu hút dòng tiền gửi từ người dân. Ông Lực khuyến nghị, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ mạnh hơn của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định mặt bằng lãi suất.

Chuyên đề