Lạc quan về tăng trưởng kinh tế 2018

(BĐT) - Vượt mốc 7%, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Với đà tăng trưởng này, nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhận định, tăng trưởng kinh tế năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra, thậm chí còn cao hơn.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

GDP hoàn toàn có thể đạt 6,8%

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 tại Hà Nội, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay hoàn toàn có thể đạt 6,8%. “Kinh tế Việt Nam đang có nhiều tiến triển. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục ghi nhận những con số tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế”, ông Ousmane Dione đánh giá và cho rằng, với đà tăng trưởng này, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam những năm tới có thể ở mức trên 7%.

Bày tỏ lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam và là đồng Chủ tịch VBF giữa kỳ 2018 cho rằng, năm 2018 là một năm tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế đang trên đà tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì được nguồn đầu tư ổn định từ bên ngoài. “Chính phủ xứng đáng được tín nhiệm vì sự ổn định về kinh tế và kiềm chế nợ công. Đặc biệt, với tư cách là một đại diện ngân hàng, tôi rất hoan nghênh sự tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong bảng xếp hạng tín dụng của Fitch”, ông Tomaso Andreatta ghi nhận.  

Dưới góc độ thị trường vốn, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, đại diện Nhóm công tác thị trường vốn VBF đánh giá, nếu nhìn bức tranh chung của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm có thể thấy một điểm chứng minh rằng nền tảng và chính sách quản lý của nền kinh tế đã chắc chắn hơn rất nhiều. Trong nửa đầu năm, thị trường tài chính toàn cầu thể hiện một số lo ngại như: Tranh chấp thương mại, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung; tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, cùng với lãi suất USD tăng đã làm cho sức hấp dẫn của các thị trường tài chính ở các nền kinh tế mới nổi giảm. Thế nhưng, tại Việt Nam, dòng tiền vẫn được rót vào tới 1,5 tỷ USD. Điều này cho thấy, nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào thị trường Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, trong một phát biểu trước đó, ông Dominic Scriven nhận xét, năm nay, nền kinh tế có thể tăng trưởng tốt là nhờ vào nỗ lực trong suốt 7 năm về trước. Nền tảng của nền kinh tế bây giờ tương đối vững, kinh nghiệm của người tiêu dùng Việt Nam tương đối cao và mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài cũng lớn hơn.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, các kết quả kinh doanh qua các số liệu thống kê do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc. Nhiều chỉ số thể hiện niềm tin kinh doanh trên thị trường gia tăng, nhất là số doanh nghiệp (DN) thành lập mới ngày càng tăng. Điều này cho thấy quá trình phục hồi nền kinh tế đang bắt đầu. Đây cũng là đà tốt để chúng ta có thể đẩy mạnh cải cách trong thời gian tới. 

Tiếp tục “hun sức nóng” trong cải cách

Dù khá lạc quan trong đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay, nhưng ông Tomaso Andreatta nhận định, vẫn còn nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể là bên trong, có thể xảy ra việc vỡ bong bóng bất động sản, gây hậu quả lên hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Còn bên ngoài, sự bảo hộ ngày càng tăng của nhiều quốc gia và khu vực kinh tế cũng ảnh hưởng khá lớn tới thương mại của Việt Nam.

Theo ông Tomaso Andreatta, so với những nền kinh tế lớn khác, đối với Việt Nam thương mại quan trọng hơn cả, nên kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các cuộc chiến tranh thương mại. Do đó, lựa chọn đúng đắn của Việt Nam không phải là bảo vệ thị trường nội địa, mà Chính phủ cần tiếp tục phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và cải cách hệ thống luật pháp để tuân thủ các hiệp định này, đưa nền kinh tế phát triển và hội nhập.  

Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh yêu cầu về cải cách thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong nước phát triển. Trước hết là việc cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh cũng như số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, nhằm tạo nên không gian và động lực mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Đây cũng là yếu tố nền tảng để khối DN tư nhân trong nước phát triển, đồng thời là “chìa khóa” cho sự phát triển, thành công và bền vững của Việt Nam trong dài hạn.

Bên cạnh đó, VBF cũng ghi nhận nhiều đề xuất, kiến nghị của các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế và trong nước nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chuyên đề