Mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quý II và cả năm cần phải được đặt ra rõ ràng và có biện pháp cụ thể để thực hiện. Ảnh: Huyền Trang |
Tuy nhiên, không vì thế mà để xuất hiện tâm lý chủ quan, chùng xuống trong các hoạt động kinh tế, nhất là khi những yếu tố rủi ro đã manh nha.
Hướng đến mục tiêu tăng trưởng 6,7%
Còn một tháng nữa mới kết thúc quý II/2018, song những diễn biến tích cực của nền kinh tế 5 tháng đầu năm tiếp tục hứa hẹn về tốc độ tăng trưởng khá trong năm 2018. Có rất nhiều con số được đưa ra trong báo cáo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ mới đây có thể chứng minh điều này.
Đầu tiên là mức tăng trưởng ấn tượng của sản xuất công nghiệp. Theo Bộ KH&ĐT, 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ. Trong đó, điểm nhấn vẫn tiếp tục nằm ở ngành công nghiệp chế biến - chế tạo với mức tăng cao nhất đạt 11,8%, cao hơn so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2017.
Khu vực dịch vụ cũng rất tích cực, khi tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 8,3%, vẫn cao hơn mức tăng 7,5% của cùng kỳ.
Tiếp tục đà tăng tốc ấn tượng của xuất khẩu năm 2017, trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tiếp tục bứt phá, ước đạt 93,1 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là, nếu như năm ngoái, vào thời điểm này, nền kinh tế nhập siêu trên 2,7 tỷ USD thì năm nay đang xuất siêu tới 3,4 tỷ USD. Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2018, các thành viên Chính phủ đều khẳng định, đây chính là một điểm sáng của nền kinh tế.
Với kết quả đạt được trong 5 tháng đầu năm, các chuyên gia nhận định, có thể kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng cao của nền kinh tế trong năm 2018, mà trước mắt là quý II/2018.
Tuy nhiên, diễn biến kinh tế tháng 5 cho thấy, bên cạnh thuận lợi, nền kinh tế đã xuất hiện những yếu tố rủi ro, đòi hỏi phải cẩn trọng trong điều hành. Đó là rủi ro áp lực về lạm phát và xu hướng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng. Trong đó, rủi ro về lạm phát được đặc biệt nhấn mạnh khi theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, CPI tháng 5 tăng tới 0,55% so với tháng trước đó, cao nhất trong các tháng 5 của 6 năm trở lại đây.
Đó cũng là lý do để dù những chỉ số kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm là tích cực và mang lại tâm thế lạc quan cho nền kinh tế, song Bộ KH&ĐT vẫn cho rằng, phải hết sức thận trọng và nỗ lực thực hiện các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra
Thấy rõ thách thức đang ngày một lớn dần, trong nhiều cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được lơ là trong điều hành, mà phải quyết tâm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. “Bài học lạm phát gắn với khủng hoảng nợ công ở nhiều nước là những kinh nghiệm sâu sắc trong điều hành kinh tế vĩ mô”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Trước những thách thức đang manh nha của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT cho rằng, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, trong bối cảnh tháng 6 đã là tháng cuối cùng của quý II, các bộ, ngành, địa phương cần hết sức tập trung và tích cực triển khai các nhiệm vụ, đặc biệt là các công việc còn tồn đọng, chậm tiến độ. Mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quý II và cả năm cần phải được đặt ra rõ ràng và có biện pháp cụ thể để thực hiện.
Lo ngại kết quả tích cực của năm 2017 và quý I/2018 có thể sẽ tạo ra tâm lý chủ quan, sớm hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được…, Bộ KH&ĐT yêu cầu các đơn vị cần kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.
Nhận định tăng trưởng GDP các quý cuối năm 2018 có thể chùng xuống so với quý I, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT cho rằng, kết quả này nếu có là do các yếu tố khách quan, không phải do năng lực của nền kinh tế yếu đi. Bởi theo ông Phương, tăng trưởng quý I/2018 cao một phần do được so sánh với mức thấp của quý I/2017, trong khi đó các quý còn lại của năm 2018 chưa định hình yếu tố bứt phá rõ ràng như năm 2017 nhưng lại phải so sánh với mức tăng khá cao của các quý cuối năm này.
Để tạo đà cho tăng trưởng, Bộ KH&ĐT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nắm bắt và tận dụng triệt để các cơ hội, thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, cần phải kiên định thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 01/NQ-CP đã nêu ra từ đầu năm.