Kinh tế phục hồi rõ nét, tạo đà cho năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều số liệu kinh tế tháng 11 và 11 tháng năm 2023 cho thấy xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, thích ứng hiệu quả hơn trước bối cảnh mới. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), khó khăn, thách thức thời gian tới còn rất lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu. Trong tháng cuối cùng của năm, Chính phủ sẽ nỗ lực khai thác tốt nhất những cơ hội cho tăng trưởng, để đạt kết quả cao nhất, tạo đà cho năm 2024.
Kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng tích cực hơn. Ảnh: Tuấn Anh
Kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng tích cực hơn. Ảnh: Tuấn Anh

Kết quả tích cực trong khó khăn

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước nhiều khó khăn, kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng nước ta cơ bản ổn định, xu hướng phục hồi ngày càng tích cực hơn, nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng. Qua đó, mở ra những thời cơ, cơ hội thuận lợi mới, để nước ta tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng, các xu thế phát triển lớn toàn cầu về kinh tế số, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tài chính xanh…

Các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng và điều hành vĩ mô của nước ta. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong ASEAN, hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới. Việt Nam tăng 4 bậc trong danh sách quốc gia an toàn nhất thế giới (xếp thứ 41) theo Báo cáo Chỉ số Hòa bình Toàn cầu (GPI) 2023 của Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP).

Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra ngày 6/12, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đánh giá cao kết quả tích cực trong phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2023. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Phân tích và Dự báo kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra nhiều điểm tích cực của bức tranh kinh tế vĩ mô trong nước 11 tháng qua. Đó là FDI cao nhất trong 5 năm gần đây tính theo vốn thực hiện; vốn đầu tư công cao hơn 122 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022; kiểm soát lạm phát tốt. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng so với các nước trên thế giới và khu vực...

Tuy nhiên, đại diện CIEM cho biết, nền kinh tế 2023 vẫn còn nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế tuy cao nhưng chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, kéo theo một số chỉ tiêu liên quan đến GDP không đạt được.

Báo cáo của Bộ KH&ĐT tại phiên họp Chính phủ cũng chỉ ra nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả chung của 11 tháng. Sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp có chuyển biến nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khó khăn, dư nợ tín dụng đến ngày 28/11 chỉ tăng 8,78% (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,01%). Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn khó khăn, cần tiếp tục theo dõi sát để chủ động ứng phó kịp thời…

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024: kịch bản cơ sở là 6%, kịch bản cao là 6,5%, kịch bản thấp là 5,5%. Ảnh: Lê Tiên

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024: kịch bản cơ sở là 6%, kịch bản cao là 6,5%, kịch bản thấp là 5,5%. Ảnh: Lê Tiên

Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới

Theo Bộ KH&ĐT, trong tháng 11, nhiều tổ chức quốc tế, định chế tài chính lớn đưa ra những dự báo trái chiều về triển vọng kinh tế thế giới, các nước lớn trong quý IV năm 2023 và năm 2024 , cho thấy tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đưa thông điệp cảnh báo về cuộc xung đột đang lan rộng ở Trung Đông có thể gây ra mối đe dọa mới cho nền kinh tế toàn cầu, sau khi thế giới vừa trải qua những cú sốc do đại dịch Covid-19 và xung đột ở Ukraine gây ra. Thị trường hàng hóa chứng kiến đà tăng giá trở lại ở các mặt hàng thép và vàng, trong khi đó giá dầu có xu hướng giảm do lo ngại về dư nguồn cung. Nền kinh tế nước ta vì thế tiếp tục chịu “tác động kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm.

Xác định khó khăn, thách thức đặt ra còn rất lớn, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai quyết liệt, chủ động, đồng bộ, sát với thực tế các chính sách, giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá trên cả 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững.

Nhận định tình hình năm 2024 của Việt Nam sẽ khả quan hơn, ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chia sẻ, Việt Nam cần tập trung vào một số động lực tăng trưởng chính là nông nghiệp, thu hút FDI chất lượng cao, khơi thông thị trường bất động sản thông qua minh bạch khung pháp lý, hoạt động tín dụng…

Với dự báo tăng trưởng năm 2024 ở kịch bản cơ sở là 6%, kịch bản cao là 6,5%, kịch bản thấp là 5,5%, Nhóm nghiên cứu của CIEM khuyến nghị trong thời gian tới cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn cho các động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh; tiếp tục phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu chưa đạt trong kế hoạch năm 2023. Đồng thời, đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, nhất là tăng cường liên kết vùng, liên vùng và cả nước; tập trung phát triển các lĩnh vực mới nổi, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; củng cố, phát huy các thị trường truyền thống và khai thác các thị trường mới, nhất là tại Trung Đông.

Chuyên đề