Hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu tại thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngày 1/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn và thách thức của kinh tế thế giới và trong nước, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, đây là kết quả từ sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện các quyết sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, đạt mục tiêu của năm 2023, năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn ĐBQH TP.HCM) cho biết, tuy có nhiều thách thức do tình hình quốc tế, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều dấu hiệu khả quan trong giai đoạn giữa và cuối năm. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới, như: tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm. Để kích cầu, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng nên giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế thay vì chỉ giảm cho một số mặt hàng nhất định.

Cùng quan điểm, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đề nghị, Chính phủ khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng và sự phục hồi của nền kinh tế. Cụ thể, thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn khoanh nợ, tăng hỗ trợ sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.

Về giải pháp kích cầu đầu tư, thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn. Đồng thời, khẩn trương nâng cao năng lực của nhà đầu tư, nhà thi công xây lắp.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Chính phủ quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, đồng thời, làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai kết quả thực hiện còn hạn chế. Đại biểu cũng thống nhất với Chính phủ về việc đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024.

Từ góc độ khác, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu rõ quan điểm cần nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực để đưa nền kinh tế phát triển bền vững trong thời gian tới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Vì vậy, đại biểu này cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung cải thiện chỉ tiêu quan trọng này, nâng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Giải trình và làm rõ ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, năm 2023 tình hình thế giới khó khăn, nhiều diễn biến nhanh và khó lường, kinh tế trong nước độ mở lớn, tính chống chịu, tự chủ còn hạn chế nên chịu nhiều tác động từ bên ngoài. Kết quả, kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm và dự kiến cả năm chưa đạt mục tiêu, nhưng là kết quả rất tích cực, cho thấy nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị với sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ và đồng hành của Quốc hội cùng vai trò điều hành quyết liệt của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh những giải pháp ngắn hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu Chính phủ việc xây dựng và thực thi các giải pháp dài hạn, căn cơ. Trong tháng 10, nền kinh tế đã có những dấu hiệu tương đối tích cực, thể hiện rõ qua các chỉ báo về giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư tư nhân, xuất khẩu, sức cầu tiêu dùng trong nước.

Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 43 là chủ trương, quyết sách đúng đắn, chính xác, kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Một số chính sách của Nghị quyết 43 đã hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân và phát huy hiệu quả rất tích cực. Bên cạnh các hỗ trợ tài chính, hơn 50% nguồn lực chương trình này cho đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng, trọng điểm, chiến lược của quốc gia đang triển khai tích cực này.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 2 lý do khiến chính sách này chưa đạt mục tiêu. Lý do chủ yếu nền kinh tế gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay nhưng không vay vì đơn hàng giảm, trong khi đó, một số doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, thiết kế chính sách rất thận trọng, trong đó yêu cầu về “có khả năng phục hồi” gây khó cho cả đơn vị cho vay và người đi vay. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện hết năm 2023, nếu không đạt được thì hủy dự toán. Đây là khoản chưa huy động nên không ảnh hưởng đến bội chi ngân sách nhà nước. Thay cho chính sách hỗ trợ lãi suất, sẽ chuyển sang thực hiện chính sách giãn, hoãn thuế VAT và các thuế khác trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về nội dung tăng năng suất lao động không đạt mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động giữa các ngành và lĩnh vực còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với tiến bộ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Riêng trong năm 2023, có một lý do đáng chú ý là tăng trưởng hạn chế so với mục tiêu, sản xuất công nghiệp khó khăn… khiến một bộ phận lao động chuyển sang khu vực dịch vụ, chủ yếu là ngành nghề phi chính thức có năng suất lao động thấp hơn. Một phận phận lao động chuyển dịch ngành nghề cần thời gian đào tạo lại để thích nghi.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo giao Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án tăng năng suất lao động dựa trên đổi mới sáng tạo và bộ này đang triển khai. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án về Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động, để tăng năng suất lao động trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh và bền vững, tận dụng hiệu quả cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Đề án này và hy vọng sớm được thông qua.

Chuyên đề