Kinh tế 2020 tăng tốc để đạt kết quả tốt nhất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm 2020. Với kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng, có niềm tin về khả năng cán đích năm 2020 ở mức cao nhất trong một bối cảnh khó khăn chồng chất.
Sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Đang phục hồi theo hình chữ V

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, trong tháng 10, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng đã có bước tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa là một điểm sáng với mức xuất siêu kỷ lục, trên 18,7 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại dịch vụ, số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong tháng 10 đều có kết quả tốt hơn so với các tháng trước…

Đáng chú ý, để ứng phó với dịch, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh chủ yếu lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh có thời hạn để giảm chi phí, chờ đợi cơ hội quay lại thị trường, không tiến hành giải thể. Điều này cho thấy, khi kinh tế phục hồi tốt, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại.

IMF đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021, hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV/2020. Ngân hàng Thế giới dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5 - 3% năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III. Tuy lũ lụt nghiêm trọng nhưng khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2 - 3%.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Theo Bộ KH&ĐT, nền kinh tế tuy có sự phục hồi nhưng không đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các ngành, lĩnh vực. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy sự ảnh hưởng trực diện và lâu dài của dịch Covid-19. Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 2,9% so với cùng kỳ 2019. Trong tháng 10, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu suy giảm, cho thấy vẫn cần có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và kích thích nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA bên cạnh cơ hội cũng đi cùng không ít thách thức như năng lực cạnh tranh và năng suất lao động của doanh nghiệp nước ta rất hạn chế. Nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước thì hàng hóa sản xuất trong nước không cạnh tranh được với hàng hóa từ EU, không tận dụng được lợi thế từ Hiệp định. Đồng thời doanh nghiệp Việt phải đối mặt với khả năng suy giảm thị phần trong nước do cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trong một số ngành ngay khi hàng hóa của EU thâm nhập vào thị trường nước ta...

Nhiều chuyên gia đặc biệt lưu ý đến nghĩa vụ trả nợ trong thời gian tới. Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho biết, thâm hụt ngân sách năm nay thấp cũng khoảng 5% GDP, nghĩa vụ trả nợ đổ dồn vào năm 2022, 2023, cùng với đó, nhiều trái phiếu chính phủ phát hành trước đây đến hạn phải trả. Nghĩa vụ trả nợ năm sau có thể lên mức 25% tổng thu ngân sách, chạm ngưỡng trần.

Trước nhiều khó khăn, thách thức, Bộ KH&ĐT nêu nhiều giải pháp cần tiếp tục thực hiện. Cụ thể, cần duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để giữ vững đà tăng trưởng, đẩy nhanh quá trình phục hồi nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA, vốn của các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện triển khai thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư xã hội, nguồn lực tư nhân cho phát triển kết cấu hạ tầng.

“Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số phải được coi là ưu tiên quốc gia và động lực tăng trưởng mới trong tương lai, do đó cần phải thực hiện nhanh, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Theo đó cần hoàn thiện sớm nhất khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số; thúc đẩy phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển dữ liệu số gắn với trí tuệ nhân tạo; chuyển đổi số đối với một số lĩnh vực đã có bước phát triển tốt trong thời gian qua như hoạt động giáo dục, đào tạo trực tuyến; hoạt động khám, chữa bệnh trực tuyến từ xa, thương mại điện tử...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư