Kinh doanh casino với “đường lỗ” kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khoản lỗ lên tới 2.529 tỷ đồng gồm cả kinh doanh casino và các hoạt động kinh doanh khác (báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2019) của một DN kinh doanh casino được Bộ Tài chính nhắc tới trong một tờ trình gửi Thủ tướng mới đây về việc sửa đổi nghị định kinh doanh casino cho thấy bức tranh ảm đạm trong lĩnh vực kinh doanh casino tại Việt Nam.
Việt Nam có 8 doanh nghiệp đã triển khai kinh doanh casino, với tổng doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.340 tỷ đồng trong năm 2019. Ảnh: Trần Sơn
Việt Nam có 8 doanh nghiệp đã triển khai kinh doanh casino, với tổng doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1.340 tỷ đồng trong năm 2019. Ảnh: Trần Sơn

Ngoài DN nêu trên, nhiều casino khác trước đó cũng báo lỗ. Cụ thể, Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia, đơn vị vận hành The Royal casino Hạ Long (casino Hoàng Gia) trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019, cũng cho biết biết lỗ hơn 72 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này đạt tổng doanh thu hơn 235,76 tỷ đồng, giảm 18,2% so với năm 2018, trong đó, riêng doanh thu từ casino ghi nhận hơn 97,7 tỷ đồng, giảm khá mạnh so với năm trước đó. Trong nhiều năm, từ 2013 - 2017, mảng kinh doanh casino của Hoàng Gia liên tục báo lỗ hàng chục tỷ đồng đồng mỗi năm.

Được xem là lớn nhất - casino Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) thuộc Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm với vốn đầu tư 4 tỷ USD. Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2016 và 2017, Công ty có số lỗ lũy kế trên 300 triệu USD. Số vốn góp chủ sở hữu đến ngày 31/12/2017 chỉ còn hơn 156 triệu USD.

Thậm chí, khoản lỗ trên của casino Hồ Tràm còn khiến đơn vị kiểm toán nhận định khoản lỗ lũy kế này “gây ra mối hoài nghi thực sự về khả năng Công ty tiếp tục hoạt động trên cơ sở hoạt động liên tục”. Ngoài ra, kinh doanh thua lỗ khiến Chủ đầu tư chỉ triển khai cầm chừng và đầu năm 2019 còn có văn bản đề nghị được lùi thời gian hoàn thành Dự án vào năm 2025 thay vì năm 2020.

Khi không có dịch bệnh Covid-19, nhiều casino còn kinh doanh thua lỗ nặng nề. Cho nên năm 2020, tác động của dịch Covid-19 đến thời điểm này vẫn chưa kết thúc, đã và đang làm “tê liệt” ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, thì một viễn cảnh kinh doanh thua lỗ trong năm nay của các casino là điều khó tránh khỏi. Ví dụ như casino lớn nhất Quảng Ninh - casino Royal Halong quý I/2020 đã lỗ gần 33 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra, thị trường casino tại Việt Nam có hấp dẫn hay không, ngay cả khi bỏ qua yếu tố tác động của dịch Covid-19?

GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), người có nhiều am hiểu về đầu tư casino cho rằng, làm casino không đơn giản chút nào. Theo ông, khi nào có nhiều du lịch quốc tế thì casino mới có cơ sở để phát triển với điều kiện phải chuyên nghiệp và tổ chức khoa học kiểu như casino ở Genting (Malaysia) hay ở Singapore. Tuy nhiên, với dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay và vẫn đang hoành hành thì việc kinh doanh casino sẽ gặp vô vàn khó khăn.

Theo ông Nguyễn Mại, quy mô thị trường casino Việt Nam là quá nhỏ. Vị Chủ tịch VAFIE cho rằng, lâu nay có quan điểm nếu Việt Nam không phát triển casino thì người dân sẽ qua Campuchia, Singapore chơi casino. Tuy nhiên, nhiều năm qua, rất nhiều người Việt chơi bị phá sản, mất nhà cửa, khách chơi là người Việt ngày càng vắng nên rất nhiều sòng bạc tại Campuchia đóng cửa, hiện còn lại rất ít.

Còn sang Singapore đánh bạc, theo ông Mại, do chưa có số liệu mỗi năm người Việt Nam sang Singapore bao nhiêu và bỏ bao nhiêu tiền vào casino nên cũng chưa thể phân tích cụ thể. Tuy nhiên, theo ông, số tiền mà khách chơi là người Việt mang sang Singapore chơi bạc khó có thể đến vài ba chục triệu USD. “Một quy mô vài ba chục triệu USD như vậy thì giả sử người Việt đó đánh ở casino trong nước, chia ra mỗi sòng bạc cũng được rất ít”, ông Mại phân tích.

Chuyên đề