Kim ngạch xuất khẩu 2024 hướng đến kỷ lục mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 7 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp đà khởi sắc, trong đó, xuất khẩu (XK) đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, một loạt nghị định thư về XK đã được ký kết. Nhiều chuyên gia thương mại nhận định, hoạt động XK sang thị trường lớn Trung Quốc tiếp tục rộng mở, sẽ tạo đà để kim ngạch XK hàng hóa năm 2024 xác lập kỷ lục mới.
Nhiều loại hàng hóa của Việt Nam gặt hái thành công khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều loại hàng hóa của Việt Nam gặt hái thành công khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Lê Tiên

Cơ hội vàng cho xuất khẩu bứt tốc

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về XK sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi và cá sấu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Trước sự kiện này, chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam bày tỏ: “Việc hai nước ký thêm nghị định thư cho XK sẽ giúp ngành rau quả có thêm thị trường tiêu thụ, mở rộng cơ hội phát triển trong thời gian tới, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân và doanh nghiệp (DN) trong nước”.

Ông Nguyên đánh giá, Trung Quốc là thị trường XK rau quả lớn của Việt Nam, chiếm 60 - 70% tổng kim ngạch XK rau quả. Đây cũng là thị trường có vị trí thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, giảm giá sản phẩm, tăng cơ hội nâng cao sức cạnh tranh. Ước tính đến hết tháng 8/2024, kim ngạch XK rau quả Việt Nam sang thị trường này đạt 4,5 - 4,6 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

Để triển khai các nghị định thư, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, Bộ cam kết tiếp tục làm việc chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tiến hành các bước tiếp theo, đảm bảo DN Việt Nam có thể XK sản phẩm vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi.

“Nếu việc thực hiện các thủ tục cần thiết như cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… thuận lợi, thì dự kiến từ tháng 12 năm nay, các mặt hàng sầu riêng đông lạnh, trái dừa tươi có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Dự kiến, năm 2025, kim ngạch XK hai mặt hàng này sẽ đóng góp ít nhất 500 triệu USD vào kim ngạch XK rau quả của cả nước, tạo nguồn thu ổn định cho bà con nông dân khu vực miền Tây cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho ngành”, ông Nguyên nhận định.

Rau quả không phải là hàng hóa duy nhất của Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công khi XK sang thị trường Trung Quốc, mà còn có nhiều mặt hàng khác như: thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại… Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, XK giày dép các loại sang Trung Quốc đạt 1,1 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng điện thoại và linh kiện XK sang Trung Quốc đạt 7,4 tỷ USD, tăng 1,1%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác đạt 1,86 tỷ USD, tăng 5,9%...

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bagico cho biết, từ năm 1995, bà đã tham gia kinh doanh buôn bán nông sản với thị trường Trung Quốc. Giai đoạn từ 1995 - 2003, DN của bà đã nhập nhiều nông sản từ Trung Quốc về Việt Nam, nhưng từ khoảng năm 2005 đến nay, DN chỉ bán nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc. Theo bà Thực, đây là thị trường lớn và tiềm năng cho DN XK trong nước.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cập nhật ngày 19/8/2024 cho thấy, Trung Quốc là một trong những thị trường XK lớn nhất của DN Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2024, trị giá XK của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 32,39 tỷ USD, tăng 5,8%, tương ứng tăng 1,77 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Con số này đóng góp đáng kể vào tổng giá trị XK 7 tháng đầu năm, kéo cán cân thương mại hàng hóa nghiêng về xuất siêu.

Ước tính đến hết tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,5 - 4,6 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2023. Ảnh: Nhã Chi

Ước tính đến hết tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,5 - 4,6 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ 2023. Ảnh: Nhã Chi

Tuân thủ nghiêm tiêu chuẩn, quy chuẩn, tăng sức cạnh tranh

Với cơ hội thị trường rộng mở cùng với đà phục hồi tích cực của hoạt động XK hàng hóa những tháng đầu năm, nhận định về triển vọng XK những tháng cuối năm 2024, nhiều chuyên gia thương mại cho rằng, từ nay đến cuối năm, XK hàng hóa sang thị trường Trung Quốc nói riêng và thị trường thế giới nói chung dự báo còn nhiều triển vọng. “Kim ngạch XK rau quả năm 2024 có thể đạt 6,5 - 6,7 tỷ USD, vượt con số gần 5,6 tỷ USD năm 2023. Kim ngạch XK hàng hóa năm nay nhiều khả năng sẽ xác lập kỷ lục mới”, ông Nguyên dự báo.

Ông Lê Quốc Phương, chuyên gia thương mại cho rằng, thị trường XK những tháng cuối năm 2024 dù dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, song với những kết quả tích cực trong 7 tháng đầu năm, khả năng kim ngạch XK năm 2024 có thể xác lập kỷ lục mới 380 tỷ USD (vượt con số kỷ lục 371,3 tỷ USD đạt được trong năm 2022).

Tuy vậy, ông Phương lưu ý, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, để bảo vệ sản xuất trong nước, nhiều quốc gia nhập khẩu đã dựng hàng rào kỹ thuật với các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng khắt khe. Cùng với đó, xu hướng XK xanh, XK bền vững dần bao trùm toàn cầu, đòi hỏi DN XK Việt Nam đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, đến nay, Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) và các nghị định thư liên quan để thúc đẩy XK hàng hóa. Hiện có 16 FTA và nhiều nghị định thư đã có hiệu lực. Tất cả các FTA cũng như nghị định thư đều có chương quy định về chất lượng hàng hóa khi XK. Vì thế, DN rau quả nói riêng, DN XK Việt Nam nói chung muốn khai thác tốt các thị trường XK thì phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nước nhập khẩu, bảo đảm chất lượng hàng hóa.

Chuyên đề