Khu kinh tế Dung Quất sẵn sàng đón dòng vốn mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 4 tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi đón dòng vốn đầu tư gấp 10 lần so với cả năm 2022, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh, tiềm năng phát triển của Quảng Ngãi. Cùng với đó, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 hứa hẹn mở ra một giai đoạn bùng nổ thu hút đầu tư vào địa phương này.
Định hướng xây dựng Khu kinh tế Dung Quất thành trung tâm năng lượng quốc gia, trọng tâm là lọc hóa dầu, điện khí đã mở ra dư địa phát triển mới cho Quảng Ngãi. Ảnh: Thành Hải
Định hướng xây dựng Khu kinh tế Dung Quất thành trung tâm năng lượng quốc gia, trọng tâm là lọc hóa dầu, điện khí đã mở ra dư địa phát triển mới cho Quảng Ngãi. Ảnh: Thành Hải

Vượt trội trong thu hút đầu tư

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi cho biết, 4 tháng đầu năm 2023, Ban cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho các dự án với tổng số vốn khoảng 1,281 tỷ USD, đạt 854% kế hoạch năm 2023, gấp 10 lần so với cả năm 2022.

Theo đó, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 2 dự án, gồm: Nhà máy Sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất (Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất làm Chủ đầu tư) và Nhà máy Sản xuất vải Sedo - Dung Quất (Công ty TNHH Sedo Camping làm Chủ đầu tư). Tổng vốn đăng ký của 2 dự án khoảng 167,08 triệu USD.

Ngoài ra, Ban cấp quyết định chấp thuận điều chỉnh tăng vốn cho 7 dự án, gồm: Nhà máy Chế biến thủy hải sản đông lạnh xuất nhập khẩu; Kho chứa và khu vực phân phối các sản phẩm hóa dầu; Nhà máy Sản xuất, gia công và lắp ráp bộ dây, cáp điện trong ô tô; Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Phú Trường; Nhà máy Chế tạo thiết bị phụ trợ và bãi đỗ phương tiện vận tải; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất; Cấp nước thô cho Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất - tỉnh Quảng Ngãi, với tổng vốn điều chỉnh tăng khoảng 1,114 tỷ USD.

Năm 2023, Khu kinh tế Dung Quất đặt mục tiêu thu hút đầu tư đạt 100 - 150 triệu USD; giá trị sản lượng công nghiệp (giá hiện hành) đạt 175 nghìn tỷ đồng; sản lượng dịch vụ đạt 3.500 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn 15 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.680 triệu USD; giải quyết việc làm mới cho 2.500 lao động; phấn đấu nâng thứ hạng chỉ số cải cách hành chính của Ban Quản lý tăng thêm 2 bậc so với năm 2022 (từ vị trí thứ 7/20 lên vị trí thứ 5/20).

Rõ ràng, Khu kinh tế Dung Quất đang tiếp tục khẳng định vị thế vượt trội trong quá trình thu hút đầu tư, trong đó nổi bật là lĩnh vực lọc hóa dầu và luyện cán thép. Từ những “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho ngành lọc hóa dầu Việt Nam, Dung Quất được Chính phủ ủng hộ xây dựng thành trung tâm lọc hoá dầu quốc gia. Trong khi đó, ở lĩnh vực luyện cán thép, Tập đoàn Hoà Phát sau khi đặt “cứ điểm” tại đây đang tiếp tục mở rộng và nâng số vốn đầu tư lên hơn 80 nghìn tỷ đồng.

Đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất cho rằng, Quảng Ngãi có nhiều lợi thế khi nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có ưu điểm về hạ tầng, giao thông, cảng biển. Đặc biệt, cơ chế chính sách có tính cạnh tranh vượt trội của Tỉnh cũng đang hướng tới nhiều ngành công nghiệp phù hợp với Tập đoàn Hòa Phát. Vì vậy, sau Hòa Phát Dung Quất 1, Tập đoàn tiếp tục mở rộng Hòa Phát Dung Quất 2, đầu tư các dự án về cảng biển, khu công nghiệp và tiến tới là khu đô thị.

Lãnh đạo Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, trong quy hoạch chiến lược phát triển cho Khu kinh tế Dung Quất, từ giai đoạn 1 chuyên về lọc dầu (vốn đầu tư gần 3 tỷ USD), giai đoạn 2 mở rộng (1,2 tỷ USD) Công ty sẽ chuyển dần sang hóa dầu. Để thực hiện chiến lược đó, bên cạnh nâng cấp, bổ sung công nghệ, việc tìm kiếm những sản phẩm hóa dầu phù hợp nhất, có hiệu quả nhất là nền tảng để Công ty nâng cấp, mở rộng những dự án trong thời gian tới.

Nhờ thu hút nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn nên giá trị công nghiệp của Quảng Ngãi hơn 10 năm qua đều ở mức cao trong khu vực miền Trung. Riêng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 129 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai so với 14 tỉnh, thành ở khu vực miền Trung.

Hướng đến trung tâm năng lượng lọc hoá dầu quốc gia

Không thể phủ nhận với các lĩnh vực công nghiệp then chốt, Khu kinh tế Dung Quất đang là điểm sáng dẫn đầu về phát triển công nghiệp của khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Cơ hội được tiếp tục mở ra cho Khu kinh tế Dung Quất khi được Chính phủ phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Trước đó, trong Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã đặt vấn đề về xây dựng và mở rộng Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm năng lượng và lọc hóa dầu quốc gia.

Ông Hà Hoàng Việt Phương cho biết, đóng góp của Khu kinh tế Dung Quất với tỉnh Quảng Ngãi cũng như khu vực là rất lớn. Những quyết sách của Trung ương mở ra dư địa phát triển mới, tạo cơ hội cho Khu kinh tế Dung Quất thu hút những nhà đầu tư chiến lược, nhất là định hướng xây dựng Dung Quất thành trung tâm năng lượng quốc gia, trọng tâm là lọc hóa dầu, điện khí.

Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi chia sẻ, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đặt vấn đề về xây dựng và mở rộng Khu kinh tế Dung Quất trở thành trung tâm năng lượng và lọc hóa dầu quốc gia là một quyết sách rất quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Ngãi cũng như liên vùng miền Trung. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhìn nhận đây là cơ hội có một không hai để tạo động lực mới cho sự phát triển địa phương trong giai đoạn tới. Trước mắt, Quảng Ngãi đã có kế hoạch đầu tư đồng bộ về hạ tầng cũng như các điều kiện khác để kết nối về hạ tầng giữa Khu kinh tế Dung Quất với cao tốc Bắc - Nam, tuyến ven biển, Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, cảng hàng không Chu Lai… nhằm tạo ưu thế cạnh tranh vượt trội trong thu hút đầu tư.

Theo Thông báo số 18/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc bổ sung vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương cho tỉnh Quảng Ngãi để tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan, các địa phương (Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, xây dựng Đề án hình thành Trung tâm lọc hóa dầu với các cơ chế, chính sách phù hợp tại ba miền Bắc - Trung - Nam; trong đó có Đề án Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị.

Chuyên đề