Đánh thức tiềm năng ngành công nghiệp không khói

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cảnh quan đa dạng, phong phú, Quảng Ngãi còn được biết đến với lịch sử hào hùng, truyền thống cách mạng và nền văn hóa đậm đà bản sắc. Đây chính là tiềm năng, lợi thế đặc trưng riêng biệt vốn có, là thế mạnh mà Quảng Ngãi cần định hướng chú trọng nhằm quảng bá, thu hút du lịch, tạo đòn bẩy phát triển trong tương lai.
Không gian du lịch Quảng Ngãi hiện đang phát triển tại khu vực phía Đông với sản phẩm chính là du lịch biển đảo. Ảnh: Minh Hạnh
Không gian du lịch Quảng Ngãi hiện đang phát triển tại khu vực phía Đông với sản phẩm chính là du lịch biển đảo. Ảnh: Minh Hạnh

Tiềm năng phong phú

Không gian du lịch Quảng Ngãi hiện đang phát triển tại khu vực phía Đông với sản phẩm chính là du lịch biển đảo. Mảnh đất này được thiên nhiên ưu đãi hơn 130 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nên thơ trải dài qua các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, TP. Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ. Trong đó nổi bật là bãi biển Sa Huỳnh dài 6 km và bãi biển Mỹ Khê dài 7 km với vẻ đẹp hoang sơ đầy mê hoặc.

Trên vùng biển trải rộng 11.000 km2, đảo Lý Sơn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, kỳ vĩ, được ví như hòn ngọc giữa biển khơi. Lý Sơn là bảo tàng sống động về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản địa chất núi lửa biển đã hình thành cách đây 25 - 30 triệu năm, là nơi lưu giữ nhiều tài liệu quý giá về lịch sử xác lập, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông từ nhiều thế kỷ trước. Lý Sơn có đủ dư địa để trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia với các hoạt động nghỉ dưỡng, tắm biển, vui chơi giải trí, thể thao, khám phá.

Bên cạnh lợi thế vùng biển phía Đông, vùng núi phía Tây của Quảng Ngãi cũng nổi bật với những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình như núi Cà Đam, thác Trắng, suối Chí, suối Trà Bói...

Quảng Ngãi được biết đến là nơi giao thoa của các nền văn hóa Chămpa, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa người Việt cổ. Trong đó, nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi của nền văn minh cổ Việt Nam, sánh cùng văn hóa Đông Sơn (miền Bắc) và văn hóa Óc Eo (miền Nam). Sự hiện diện của nền văn hóa Sa Huỳnh là thế mạnh không phải nơi nào cũng có, là vốn quý để Quảng Ngãi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Quảng Ngãi là điểm đến thu hút du khách trên hành trình tìm về lịch sử, văn hóa cách mạng với những chứng tích lưu giữ nhiều giá trị quan trọng. Nổi bật trong số đó là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt khởi nghĩa Ba Tơ, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Khu di tích Đặng Thùy Trâm, Thành cổ Châu Sa (di sản kiến trúc của văn hóa Chămpa), Trường Lũy, Khu di tích Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Di tích chiến thắng Vạn Tường và nhiều chùa, miếu. Du khách cũng có thể hòa mình vào các lễ hội truyền thống như Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, đua thuyền tứ linh, nghinh ông, cầu mùa, lễ hội ăn trâu... Đây đều là giá trị, bản sắc văn hóa độc đáo cần được bảo tồn, phát huy.

Với vị trí cận kề Quảng Nam, Quảng Ngãi có khả năng kết nối tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, “Tiểu vùng văn hóa xứ Quảng”. Cùng với đó, giá trị địa chất độc đáo ở khu vực Lý Sơn - Bình Châu sẽ góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành “mắt xích” quan trọng trên tuyến du lịch này.

Nền văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba cái nôi của nền văn minh cổ Việt Nam, sánh cùng văn hóa Đông Sơn (miền Bắc) và văn hóa Óc Eo (miền Nam). Sự hiện diện của nền văn hóa Sa Huỳnh là thế mạnh không phải nơi nào cũng có, là vốn quý để Quảng Ngãi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều lợi thế, song thời gian qua, Quảng Ngãi chưa có sản phẩm du lịch đặc thù để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút du khách. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chưa có sự kết nối với các sản phẩm trong vùng. Các giá trị về di sản địa chất, văn hóa Sa Huỳnh, sinh thái thiên nhiên, văn hóa cộng đồng… chưa được phát huy để trở thành các sản phẩm hấp dẫn. Nhiều giá trị chưa được định hướng đầu tư khai thác, dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên hoặc bị khai thác tự phát. Thị trường nội địa chiếm phần lớn (trên 90%), nhưng thị trường từ miền Trung và Tây Nguyên còn hạn chế do yếu tố cạnh tranh trong vùng (đặc biệt so với Quảng Nam, Đà Nẵng).

Tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quãng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cho rằng, để phát triển du lịch, Quảng Ngãi cần rà soát lại các sản phẩm theo định hướng phát triển của Tỉnh; tập trung vào tính đặc thù, khác biệt, cạnh tranh, tạo giá trị cao. Xác định rõ lợi thế so sánh (về tiềm năng, về vị trí, về cơ hội) của du lịch Quảng Ngãi với các địa phương có điều kiện tương đồng; nêu bật được các yếu tố: vị trí địa lý “cầu nối” liên kết của vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên; Lý Sơn - nơi hội tụ của những giá trị tự nhiên; văn hóa Sa Huỳnh; Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Chọn du lịch - thương mại là ngành kinh tế mũi nhọn

Với tầm nhìn xây dựng bức tranh kinh tế đa sắc, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển thương mại - dịch vụ thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.

Định hướng đến năm 2025, du lịch Quảng Ngãi cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp 1,7% vào GRDP; phấn đấu đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đến năm 2030, du lịch Quảng Ngãi là ngành kinh tế quan trọng, tỷ lệ đóng góp vào GRDP đạt khoảng 5,7%; khẳng định vị trí của du lịch Quảng Ngãi trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, từng bước tạo dựng thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Sau năm 2030, phấn đấu để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, với đóng góp của du lịch trên 10% GRDP, đưa Quảng Ngãi trở thành điểm đến không thể bỏ qua tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo đó, không gian ven biển phía Đông sẽ đóng vai trò động lực với Cụm du lịch Dung Quất - Lý Sơn; Cụm du lịch TP. Quảng Ngãi và Cụm du lịch Sa Huỳnh. Không gian du lịch miền núi phía Tây sẽ định hướng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan danh lam thắng cảnh thiên nhiên, núi rừng; du lịch văn hóa - cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao; du lịch gắn với các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề địa phương...

Để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang thực thi nhiều giải pháp. Trong đó, triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch của Tỉnh; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, sản phẩm du lịch. Tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng hoạt động dịch vụ du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội vào phát triển du lịch thông qua hàng loạt dự án kêu gọi đầu tư như: Khu dịch vụ đô thị và du lịch biển Hàng Dương; Khu dịch vụ - du lịch An Vĩnh; Khu dịch vụ - du lịch Đồng Hộ, An Hải; Khu du lịch sinh thái Thạch Bích, Khu đô thị mới An Phú (đảo Ngọc)...

Với những mục tiêu, giải pháp đồng bộ mang tính đột phá, Quảng Ngãi có đủ cơ sở để kỳ vọng rằng ngành du lịch sẽ sớm có những bước chuyển mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của Quảng Ngãi trong tương lai.

Chuyên đề