Diễn biến lãi suất tiền đồng bắt đầu có chiều hướng tăng lên |
Các nhà phân tích tài chính cho rằng, thời gian qua, tỷ giá đã được ổn định nhờ các biện pháp cải cách từ NHNN, giúp giảm áp lực lên tiền đồng khi mất giá. Tuy nhiên, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm tăng thêm lãi suất cơ bản đồng đô-la Mỹ trong nửa đầu năm 2016 hoặc có thể chậm hơn vào cuối năm này, tiền đồng khó tránh mất giá.
Bà Izumi Devalier, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Việt Nam của Khối Nghiên cứu kinh tế HSBC cho rằng, các yếu tố bên ngoài sẽ tác động đến tiền đồng của Việt Nam như Fed sẽ còn tăng lãi suất và đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá… thì sự chống đỡ của Việt Nam đối với các yếu tố này sẽ khó khăn hơn. Chuyên gia HSBC cho rằng, Việt Nam không nên chủ quan với tình hình tăng trưởng đang ổn định hiện nay.
“Trong ngắn hạn, sự biến động của đồng tiền sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế. Nhưng trong dài hạn, đồng tiền sẽ cố định với giá trị của nó. Do đó, chúng ta cần phải có các biện pháp để giảm thiểu sự rủi ro đến từ biến động của đồng tiền trong dài hạn”, bà Izumi nói và cho rằng, Việt Nam đã có thặng dư thương mại trong tháng 1 và 2/2016, nhưng không kỳ vọng sẽ được duy trì lâu, bởi 2 tháng đầu là chưa đủ để đánh giá cho tình hình cả năm.
Ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) cho biết, Fed đã tăng lãi suất vào cuối năm 2015, nhưng sau đó tỏ thái độ thận trọng với lần tăng tiếp theo.
Tuyên bố của Ủy ban thị trường mở của Mỹ (FOMC) hồi tháng 1/2016 cũng cho thấy, khả năng Fed chưa thể sớm tăng thêm lãi suất cơ bản của đồng USD. Do các chỉ số kinh tế chính tại Mỹ bị suy giảm, nên bất ổn tài chính và kinh tế thế giới càng có sức ảnh hưởng mạnh hơn. Dự báo năm nay Mỹ sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 2 lần, vào tháng 6 và tháng 12/2016, trong khi quan điểm của Fed là có thể chọn giải pháp tăng lãi suất 4 lần trong năm nay.
Tỷ giá USD/VND sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ các yếu tố bên ngoài, trong đó có việc Fed tăng lãi suất và đồng NDT mất giá. Mặt khác, theo ông Yun, biến động của đồng NDT rất quan trọng, do Trung Quốc là đối tác thưong mại lớn thứ 2 của Việt Nam, nhập siêu từ quốc gia này hiện đang lớn nhất.
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, hầu hết các hoạt động xuất-nhập khẩu của Việt Nam hiện nay đều thông qua đồng đô-la Mỹ. Vì vậy, các tác động của đồng USD và NDT sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
“Đó cũng chính là lý do để ngân hàng phải xây dựng đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, cùng khách hàng chia sẻ thông tin, cũng như đưa ra các biện pháp phòng ngừa tỷ giá”, vị tổng giám đốc trên nói. Đồng thời ông đưa ra quan điểm, đối với một nền kinh tế thị trường thì việc thay đổi tỷ giá cũng là điều tất yếu. Do đó, với vai trò của người lãnh đạo ngân hàng, đòi hỏi phải nắm bắt các thông tin từ thị trường, chính sách để chia sẻ cho khách hàng. Từ đó, nắm bắt được tình hình và đạt hiệu quả kinh doanh.
Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, hai vấn đề được quan tâm trong năm 2016 chính là tỷ giá và lãi suất. Ngân hàng sẽ cập nhật thông tin về tỷ giá và thay đổi lãi suất đến khách hàng nhiều hơn, từ đó mới có thể giúp khách hàng dễ dàng nắm bắt thông tin, hoạch định chiến lược kinh doanh và giảm thiểu gủi ro về biến động tỷ giá cũng như lãi suất. Bởi một khi áp lực tỷ giá tăng sẽ khiến cho mặt bằng lãi suất tiền đồng khó có thể giữ nguyên. Năm 2015, NHNN đã duy trì tỷ lệ lãi suất thấp và chủ trương này hiện đang nỗ lực được giữ trong năm 2016.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính-tiền tệ, cùng với tỷ giá, áp lực lạm phát năm 2016 sẽ tăng lên, từ đó sẽ gây áp lực nhất định đến lãi suất. Năm 2015, lạm phát của Việt Nam tính đến cuối năm là 5%. Đối với lãi suất, mặc dù Chính phủ và NHNN kỳ vọng lãi suất sẽ giảm thêm nữa, song theo HSBC, diễn biến lãi suất tiền đồng bắt đầu có chiều hướng tăng lên.