Khát vọng từ hạt gạo Việt vang danh toàn cầu…

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân mong muốn, Giải thưởng sẽ giúp các nhà khoa học của Việt Nam tự tin hơn và tiếp tục các nỗ lực để lo cho dân, cho xã hội.
Khát vọng từ hạt gạo Việt vang danh toàn cầu…

Gắn bó trọn đời với cây lúa, hạt gạo Việt Nam, có công lớn trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu, Giáo sư Võ Tòng Xuân chỉ có một tâm niệm: nông dân giàu thì đất nước sẽ giàu. Ông luôn khuyến khích nông dân làm nhiều giống lúa, xuất khẩu nhiều để góp sức đạt chỉ tiêu GDP.

Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ, hạt gạo nước ta được thừa nhận ở phẩm chất, giá trị thương hiệu, được vinh danh ở vị trí ngon nhất thế giới, song cần giữ gìn thương hiệu như một tài sản quý. Đây là bước khởi đầu để nhiều loại nông sản Việt Nam tiếp tục lan tỏa, định vị giá trị trên trường quốc tế. Theo GS. Xuân, muốn thu về giá trị cao, phải nâng quy trình canh tác lên bước gọi là nghệ thuật, là khoa học… Bán sản phẩm không chỉ bán giá trị dinh dưỡng, mà phải bán câu chuyện, bán thương hiệu bao trùm.

Năm 2019, gạo ST25 của Việt Nam tham gia cuộc thi toàn cầu và được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới. Năm 2023, ST25 lần thứ hai được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, là minh chứng cho năng lực sản xuất gạo chất lượng cao, thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Ông Hồ Quang Cua, một học trò của Giáo sư Võ Tòng Xuân và là “cha đẻ” của gạo ST24, ST25 chia sẻ, gắn bó với cây lúa từ tấm bé, ông thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân khi sản xuất ra hạt gạo. Đây là động lực khiến ông và cộng sự tìm cách lai tạo, tìm ra giống gạo ngon hơn, giá trị hơn cho Việt Nam.

Theo ông Cua, Việt Nam có nhiều giống gạo ngon, phẩm chất tốt, nhưng trồng ở nhiều nơi và luôn đối diện với nguy cơ thoái hoá giống. Sau nhiều năm mày mò nhân tạo giống, đổi mới phương thức canh tác và ứng dụng các tiến bộ khoa học, thử nghiệm trên nhiều vùng đất, ông Cua và cộng sự cho ra đời giống lúa ST24, ST25. “Trước đây, người Thái Lan có câu: “Nghĩ tới gạo là nghĩ đến Thái Lan”, nhưng khi gạo Việt Nam 2 lần được vinh danh toàn cầu, khẩu ngữ của người Thái được sửa thành: “Nghĩ tới gạo là nghĩ đến Thái Lan và Việt Nam””, ông Cua nói. “Gạo của chúng ta được người Thái Lan quảng cáo thương hiệu ra quốc tế như vậy đó”, ông kể.

Khi ST24, ST25 được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, ông Cua quan niệm, đây là thương hiệu gạo của quốc gia, nên đã công khai quy trình sản xuất, canh tác để người nông dân cùng xây dựng thương hiệu, phát triển loại gạo này. Đây là cách làm xưa nay hiếm.

“Tôi cung ứng giống, kỹ thuật canh tác, sản xuất cho bà con vì gạo ngon là thành quả, là thương hiệu của toàn dân. Vấn đề bảo vệ, giữ và nâng cao thương hiệu này là của mọi người, của Nhà nước, chứ không thể một mình ai làm được”, ông Cua nói.

Năm 2023 là năm rực rỡ của ngành nông nghiệp Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 53 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây. Đây là thành tích đáng tự hào của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với lợi thế và tiềm năng của ngành nông nghiệp. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty CP Bagico, Công ty chuyên xuất khẩu nông sản Việt nhận định, đa số nông sản nước ta rất thơm ngon, phẩm chất tốt và được thế giới đánh giá cao, nhưng hạn chế lớn nhất là phân bố không đều, mỗi nơi một ít, quy trình canh tác dựa vào thiên nhiên và kinh nghiệm dân gian, cách thu hái cũ và chưa chú trọng làm thương hiệu… Vì vậy, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, dù có sản lượng lớn, tăng dần qua các năm, nhưng giá trị chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo kỹ sư Hồ Quang Cua, thị trường thế giới đang vận động theo hướng chọn lựa sản phẩm xanh, an toàn và cao nhất là hữu cơ. Chính vì vậy, hạt gạo cũng như các sản phẩm khác đều phải đi theo hướng canh tác xanh, sạch và bền vững, vừa xây thương hiệu, vừa phải bảo vệ thương hiệu. Điều trăn trở lớn nhất của người sáng tạo nên loại gạo ngon nhất thế giới là gạo ST24, ST25 bị làm giả rất nhiều, có thể khiến Việt Nam mất đi một thương hiệu lớn. “Tôi nhớ người Thái từng khiếu nại bảo vệ gạo đặc sản của họ khi bị một số người Trung Quốc, Mỹ chiếm thương hiệu, làm giả thương hiệu. Câu chuyện thương hiệu, giá trị vô hình tưởng như nhỏ bé, nhưng trong thời đại hiện nay, nó ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu của nền sản xuất, của quốc gia”, ông Cua nhấn mạnh.

Chủ tịch Bagico thì cho rằng, để tăng giá trị cho nông sản Việt, bên cạnh việc cải thiện chất lượng, cần tìm cách làm thương hiệu đặc sắc cho sản phẩm. “Người Trung Quốc lai tạo và xuất khẩu được nhiều giống cam khác nhau. Cam của Trung Quốc có hạt tinh thể dầu ở vỏ rất nhỏ nên không bị dập nát và có thể vận chuyển đi xa hơn. Họ cũng nghiên cứu lai tạo giống cam không quá ngọt để phù hợp với thị hiếu của người châu Âu”, bà nói.

Thế giới đang biến động nhanh chóng và cạnh tranh khốc liệt trên từng loại sản phẩm. Quả xoài, nho của Nhật Bản, Hàn Quốc đều có giá bán cao gấp nhiều lần cùng loại của Việt Nam. Theo bà Thực, không phải do hàm lượng vitamin từ các loại quả đó cao hơn quả của Việt Nam, mà do quy trình sản xuất và câu chuyện thương hiệu hay phẩm cấp sản phẩm (chứng chỉ sinh thái, organic) quyết định. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt cần tính tới trên cái gốc là chúng ta có giống tốt và điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi để tạo ra những sản vật quý cho sức khỏe.

Trên bình diện quốc gia, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1748/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đặt mục tiêu khai thác tối đa lợi thế đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, đồng thời giữ ổn định diện tích đất trồng lúa. Việc cần làm là tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực, tập trung trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. Ưu tiên phát triển một số cây ăn quả có lợi thế, có thị trường tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD vào năm 2030.

Cũng theo Chiến lược, đến năm 2050, trồng trọt Việt Nam phải trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới… Trên con đường tương lai, lợi thế từ thiên nhiên cần được cộng lực với tâm huyết, sức sáng tạo của các nhà khoa học để nước ta có thêm nhiều hạt giống mới, nhiều nông sản Việt tỏa sáng, góp sức mang lại lợi ích lớn cho quốc gia.

Chuyên đề